Mới đây, một vụ nổ bình gas mini tại căng tin trường THCS Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp khiến chủ căng tin đang nấu mì bị bỏng cánh tay và mặt, 10 học sinh ngồi gần đó bị bỏng nhẹ do nước sôi văng trúng.
Trước đó, một nhân viên bếp ăn khi đang làm việc tại khu vực bếp ăn của Trường Tiểu học Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) tử vong vì bị điện giật do hở điện ở bình đun nước nóng.
Từ những sự việc trên cho thấy, nói đến môi trường học đường giờ đây không chỉ là nhắc đến vấn đề an toàn thực phẩm mà còn là câu chuyện đảm bảo an toàn lao động, phòng chống cháy nổ ở các cơ sở giáo dục.
Trao đổi với PV, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết: Vụ việc tai nạn điện giật xảy ra ở bếp ăn bán trú của một trường tiểu học ở Hà Nội và vụ việc nổ bình gas mini tại căng tin trường học khu vực phía nam cho thấy nguy cơ mất an toàn luôn hiện hữu ở mọi nơi nếu như công tác quản lý, các yếu tố đảm bảo an toàn không được chú trọng.
Với những vụ việc tai nạn lao động, những sự cố gây hậu quả nghiêm trọng như vậy thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định yếu tố lỗi và xác định thiệt hại để làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Đối với vụ việc nổ bình gas mini, Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh trong việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như thế nào. Sẽ làm rõ việc sử dụng các bình gas cũng như công tác đảm bảo an toàn phòng cháy được thực hiện như thế nào để có những cảnh báo, xử lý nếu vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Về phần trách nhiệm dân sự thì đơn vị quản lý căng tin để xảy ra tai nạn gây thiệt hại đến sức khỏe của các học sinh thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Thiệt hại ở đây sẽ bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của nhà trường về công tác quản lý đối với các dịch vụ kinh doanh tại cơ sở giáo dục này và về việc quản lý học sinh
“Trong trường hợp phát hiện có lỗi trong công tác quản lý thì sẽ xem xét xử lý kỷ luật, áp dụng trách nhiệm vật chất, nếu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc”, Luật sư Cường cho hay.
Theo kinh nghiệm của anh Trần Đình Hiền (26 tuổi, Thường Tín, Hà Nội) - nhân viên vận chuyển, lắp đặt gas và các loại bếp gas cho biết: Tai nạn cháy nổ gas vẫn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày, nguyên nhân gây ra xuất phát từ những lỗi cơ bản mà nhiều người vẫn mắc phải.
“Phần lớn các bình gas mini trên thị trường chỉ được sử dụng một lần. Không được phép chiết nạp và sử dụng lại. Tuy nhiên đa số các đại lý sang chiết gas lại tái sử dụng chúng vài ba lần. Thậm chí có khi hàng chục lần đến tróc sờn cả vỏ nên nguy cơ rò rỉ và cháy nổ rất cao”, anh Hiền cho biết.
Mặc dù biết rõ hiểm họa cháy nổ từ bình gas mini, nhưng do rẻ, thời gian sử dụng lâu, loại bình gas này vẫn được người dân, các cơ sở kinh doanh sử dụng.
Là một người chuyên lắp đặt các loại bếp gas và gas, anh Hiền khuyến cáo cách sử dụng bình gas mini an toàn: “Không nên sử dụng bếp và bình gas mini cũ, nếu bếp gas đã bị tróc sơn, han gỉ, chốt bình gas lỏng hay bếp rất khó đánh lửa, phải tốn sức "mồi" nhiều lần mới được thì tốt nhất không nên sử dụng bởi những bếp gas như thế này rất dễ bị rò rỉ gas ra bên ngoài, gây cháy nổ”.