Vụ nhặt được 5 lượng vàng ở Cà Mau, theo LS Thọ Văn (Công ty Luật Phú Quang, Sài Gòn), người bị kiện không phải là chủ sở hữu mà là Công an TP Cà Mau.
Chúng tôi xin trích dẫn đầy đủ ý kiến của Luật sư Thọ Văn – Công ty Luật Phú Quang – Sài Gòn về vấn đề này.
"Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm đã có 2 vụ (đều liên quan đến con số 5) gây tranh cãi pháp lý liên quan đến Điều 239 Bộ luật dân sự quy định về xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu và Điều 241 Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên.
Đó là vụ chị Huỳnh Thị Ánh Hồng - người mua ve chai may mắn nhặt được 5 triệu yen Nhật tại Sài Gòn và mới đây là vụ chị Phạm Tuyết Mai (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau - người công nhân nhặt được 5 lượng vàng trong nhà máy rác.
Vụ “5 triệu yen” đã giải quyết xong. Còn vụ “5 lượng vàng” đã và đang xảy ra tranh chấp. Vì khi Công an TP Cà Mau thông báo việc chị Mai được hưởng quyền sở hữu theo Điều 241 - Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, thì chị Nguyễn Thị Bích Ngân (phường 8, TP Cà Mau - người nhận là chủ sở hữu số vàng này và đã báo mất số vàng cách đây một năm về trước) xuất hiện.
Chính vì sự xuất hiện của chị Bích Ngân mà Công an TP Cà Mau đã tạm dừng việc xác lập quyền sở hữu theo luật định cho chị Tuyết Mai.
Vào ngày 29/9, chị Tuyết Mai đã khởi kiện chị Nguyễn Thị Bích Ngân ra TAND TP. Cà Mau. TAND TP. Cà Mau cho biết, đã thụ lý đơn kiện của bà Phạm Tuyết Mai (theo Người đưa tin). Tuy nhiên, việc chị Tuyết Mai khởi kiện chị Bích Ngân để yêu cầu tòa án giải quyết đã lại gây tranh cãi quyết liệt giữa các chuyên gia pháp lý về xác định tư cách người bị kiện là ai.
Phạm Tuyết Mai (xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, Cà Mau - người công nhân nhặt được 5 lượng vàng trong nhà máy rác (Ảnh VnExpress.net) |
Người bị kiện là chị Bích Ngân hay Công an TP. Cà Mau?
Tôi xin loại bỏ ngay ý nghĩ về việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản (5 lượng vàng của chị Bích Ngân).
Tôi cho rằng cơ quan điều tra có thẩm quyền không khởi tố vụ án hình sự là đúng. Bởi lẽ, nghi vấn vụ trộm cắp tài sản này chỉ đơn thuần là nghi vấn của ai đó đặt ra, hoàn toàn không có manh mối khả dĩ nào.
Điều 241 Bộ luật dân sự hiện hành quy định về xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, tại khoản 1 nói rằng: “Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu”.
Như vậy, chị Tuyết Mai đã thực hiện nghiêm túc khoản 1, Điều 241 nêu trên khi nhặt được vàng.
Khoản 2, Điều 241 quy định: “Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50\% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước”.
Như vậy, giả sử 5 lượng vàng trên là của chị Bích Ngân thực sự, thì thời hiệu theo quy định tại khoản 2 nêu trên cũng đã quá một năm. Đồng nghĩa với việc chị Bích Ngân mất quyền sở hữu theo luật định.
Hơn nữa, số vàng trên đang được Công an TP Cà Mau quản lý, chứ không phải chị Bích Ngân. Vì vậy, người bị kiện dứt khoát không phải là chị Bích Ngân.
Người bị kiện chỉ có thể là Công an TP. Cà Mau
Theo tôi, người bị kiện chỉ có thể là Công an TP. Cà Mau, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, xét về mối quan hệ giữa người nhặt được vàng và người bị mất vàng (chị Mai và chị Ngân) không hề có mối quan hệ nào cả. Bởi lẽ, Công an TP. Cà Mau đang quản lý 5 lượng vàng, chứ không phải chị Ngân - người mất vàng.
Thứ hai, xét về mối quan hệ giữa người nhặt được vàng (chị Tuyết Mai) và Công an TP. Cà Mau, đã phát sinh mối quan hệ giữa bên giao (chị Tuyết Mai) và bên nhận vàng (Công an TP. Cà Mau - trách nhiệm giữ gìn, quản lý theo luật định).
Như vậy trên thực tế, người nhặt được vàng đã tuân thủ theo khoản 1, Điều 241 BLDS và khi thỏa mãn yêu cầu về thời hiệu của khoản 2 của Điều 241 BLDS, thì bên nhận giữ gìn và quản lý số vàng - Công an TP. Cà Mau có trách nhiệm giao trả số vàng mà người nhặt được hưởng theo luật định.
Theo tôi, khoản 2, Điều 241 BLDS hiện hành quy định là đã khá rõ ràng. Không cần nghị định, thông tư hướng dẫn nào thì Công an TP. Cà Mau vẫn có thể thực hiện việc trao trả số vàng cho người nhặt được mà không cần phải “lúng túng” gì. Vấn đề nằm ở chỗ là bản lĩnh của người có thẩm quyền giải quyết vụ việc mà thôi.
Việc Công an TP.Cà Mau chậm trễ trong việc giải quyết vụ việc đã ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của chị Mai là vi phạm khoản 2, Điều 241 BLDS hiện hành. Đây là hành vi hành chính dạng “không hành động”.
Tức là không thực hiện trao trả lại số vàng mà chị Tuyết Mai được hưởng tài sản nhặt được theo luật định. Do đó, chị Mai khởi kiện công an về việc chậm trễ này là có căn cứ, vì thực ra chị Bích Ngân đã mất quyền sở hữu sau khi hết thời hiệu là một năm.
Giả sử bên mất vàng – chị Bích Ngân không đồng ý mà có khởi kiện Công an TP. Cà Mau ra Tòa hành chính, thì Tòa cũng sẽ không thụ lý, vì chị Bích Ngân đã mất quyền sở hữu theo khoản 2, Điều 241 BLDS".
Theo báo Người Đưa Tin
[mecloud]ZguVRKp51F[/mecloud]