"Các giấy tờ viết tay không có chứng thực, công chứng thì coi như không có giá trị pháp lý", luật sư Nghiêm Quang Vinh nói.
Như đã thông tin, ngày 16/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1042 phê duyệt đầu tư hạ tầng dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh, quận 2, TP. HCM cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC).
Ngày 13/8/1999, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 783 thu hồi 131ha đất nằm trên địa bàn các phường An Phú, Bình An, Bình khánh thuộc quận 2 giao cho HDTC thực hiện dự án.
Sau khi có các quyết định của Thủ tướng, UBND quận 2 thành lập Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư tiến hành thông báo và thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Trong quá trình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2017 đến năm 2019, Ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án và UBND phường An Phú phát hiện rất nhiều hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các chủ đất có dấu hiệu gian dối.
Theo quy định, khi Thủ tướng ký Quyết định số 1042 (phê duyệt đầu tư hạ tầng dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh) và Quyết định số 783 (thu hồi 131ha đất nằm trên địa bàn các phường An Phú, Bình An, Bình khánh thuộc quận 2 giao cho HDTC thực hiện dự án) thì việc mua bán, chuyển nhượng đất tại khu vực này bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, dù biết đất trong Dự án An Phú - An Khánh khi có quyết định của Thủ tướng về lập dự án khu đô thị sẽ không được mua bán, nhưng chủ đất tại dự án này vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng với nhiều người. Để hợp thức hoá việc chuyển nhượng trái phép này, các hợp đồng chuyển nhượng được hai bên ghi lùi ngày ký kết đến trước ngày 13/8/1999, tức sau ngày Thủ tướng ký quyết định thu hồi đất để được nhận đền bù về đất hoặc đền bù tiền với giá thị trường không theo giá quy định của Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đơn cử, khi tiếp nhận hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban bồi thường phát hiện có 45 hồ sơ chủ đất mua lại của ông Nguyễn Văn Thấm (SN 1931) và bà Nguyễn Thị Lành (vợ ông Thấm) với tổng diện tích đất 7.625m2 có dấu hiệu gian dối.
Cụ thể, các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất này đều ghi thời gian mua là từ năm 1992, 1993, 1994, 1995; người bán là ông Nguyễn Văn Thấm và bà Nguyễn Thị Lành. Các hợp đồng mua bán này thể hiện, cả ông Thấm và bà Lành đều có địa chỉ tại số 771, tổ 23, phường An Phú, Quận 2, TP HCM. Tuy nhiên, ngày 06/1/1997, Thủ tướng Chính phủ mới ký Nghị định 03/CP quyết định thành lập Quận 2. Và kể từ ngày 01/4/1997, Quận 2 mới có tên trên bản đồ hành chính của TP.HCM.
Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, theo hồ sơ năm 1999 khi kê khai đất lô đất đứng tên ông bà Nguyễn Văn Thấm, theo hướng dẫn tại khoản b, khoản 2, Điều 18 Nghị định 43, hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 đã quy định: "Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do UBND cấp xã, hoặc hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã, hoặc cơ quan quản lý cấp huyện, tỉnh lập.
Từ căn cứ trên có thể khẳng định vợ chồng ông Thấm là chủ sử dụng đất và không có tranh chấp với ai từ năm 1999. Tuy nhiên, mảnh đất này chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Đây chính là nguyên nhân khiến các giao dịch chuyển nhượng mảnh đất này đều là giấy viết tay, không được công chứng, chứng thực theo quy định.
Luật sư Vinh phân tích thêm, ngày 13/8/1999, Thủ tướng có quyết định số 783 thu hồi 131 ha giao cho HDTC thực hiện dự án. Theo quy định của pháp luật cần xem xét từ thời điểm này đã có thông báo cho các hộ gia đình có đất về ranh giới quy hoạch thu hồi đất để nhân dân biết và không được phép sang nhượng đất không?. Nếu đã có thông báo thì việc chuyển nhượng đất là không hợp pháp.
Được biết, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủphê duyệt đầu tư hạ tầng dự án Khu đô thị An Phú - An Khánh và Quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án thì chính quyền địa phương đã thông báo rộng rãi đến những hộ dân thuộc vùng dự án để nắm bắt chủ trương.
Luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang |
Liên quan đến các giao dịch mua bán đất bằng giấy tờ viết tay, theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, thì các giấy tờ viết tay không có công chứng, chứng thực không có giá trị pháp lý và không được công nhận. Việc công nhận chủ sử dụng đất ổn định ở đây là chính quyền cấp xã.
"Các giấy tờ viết tay không có chứng thực, công chứng thì coi như không có giá trị pháp lý, việc giải quyết chỉ cần tuân thủ nguồn gốc đất có tranh chấp hay không có tranh chấp và căn cứ vào thời điểm sử dụng để xác định ...", luật sư Vinh nhấn mạnh.
Tiểu Phương