Ngày 23/8, một lãnh đạo UBND thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ người đàn ông 37 tuổi bị rắn cắn chết.
Danh tính nạn nhân là anh Y.Q.N.K. (37 tuổi, ngụ thị trấn Krông Năng).
Báo Người lao động đưa tin, theo lời của người thân, khoảng 0 giờ ngày 9/8, anh Y.Q.N.K. nghe tiếng con trai la hét vì có rắn bò vào nhà. Ngay sau đó, anh Y.Q.N.K. thức dậy, đánh đuổi con rắn. Tuy nhiên, trong quá trình đánh đuổi rắn, anh Y.Q.N.K. không may bị rắn cắn vào cổ chân. Ngay sau đó, người thân đã đưa anh Y.Q.N.K. đến Trung tâm Y tế huyện Krông Năng cấp cứu.
Nạn nhân sau đó được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM rồi chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị. Tuy nhiên, đến rạng sáng 23/8 thì anh K. tử vong.
Liên quan đến vụ việc, theo tờ Pháp luật TP.HCM, người thân anh K. cũng cho biết thêm, hôm đó có 2 con rắn cạp nia bò vào nhà, anh K. đánh đuổi một con thì phát hiện có một con rắn khác bỏ chạy.
Rắn cạp nia thuộc họ rắn hổ, có những khoang trắng đen xen kẽ nhau. Đây là một trong những loài rắn có nọc độc mạnh nhất. Nọc độc của rắn cạp nia có thể gây nhiễm độc thần kinh, giãn đồng tử, liệt cơ tứ chi, liệt cơ hô hấp, gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Bị rắn cắn, cần làm gì?
Bất cứ trường hợp bị rắn cắn nào cũng cần được theo dõi sát, ít nhất là trong 6 giờ đầu. Đặc biệt, khi bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế. Cách sơ cứu như sau:
Cho nạn nhân nằm yên, trấn an nạn nhân.
Đặt bộ phận cơ thể bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc.
Rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước
Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng
Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương
Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để nơi đây xác định loại rắn cắn và dùng huyết thanh kháng nọc phù hợp.