+Aa-
    Zalo

    Vụ ném tiền tại quán ăn Đà Nẵng: “Cần xem xét tư cách, đạo đức của cán bộ”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Luật sư cho rằng, hành vi ứng xử của người đàn ông trong clip ném tiền tung tóe trong quán ăn ở Đà Nẵng là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thể hiện thái độ coi thường người khác, gây mất an ninh trật tự.

    Mới đây, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng đã thông tin ban đầu liên quan đến sự việc một người đàn ông được cho là cán bộ của Sở này lớn tiếng cãi cọ và ném tiền trong quán ăn khiến dư luận bức xúc.

    Theo đó, sau khi tiếp nhận phản ánh về hành vi thiếu chuẩn mực của một người đàn ông ném cả nắm tiền xảy ra tại một quán ăn trên đường Chương Dương (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), được cho là đang công tác tại Sở TN&MT TP Đà Nẵng, ngay trong tối 2/10, lãnh đạo Sở này cho biết bước đầu đã xác định sự việc có liên quan đến cán bộ của Sở. Theo đó, người trong đoạn clip nêu trên là ông Đ.C.P, hiện đang công tác tại Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN&MT TP Đà Nẵng).

    Sự việc gây bất bình trong dư luận với nhiều bình luận phê phán hành vi thiếu chuẩn mực của người đàn ông trong đoạn video.

    vu nem tien tung toe tai da nang can xem xet tu cach dao duc cua can bo

    Hình ảnh từ camera của quán ghi lại hành động ném tiền của người đàn ông - Ảnh cắt từ clip.

    Trao đổi với PV, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Hành vi ứng xử của người đàn ông trong clip là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, thể hiện thái độ coi thường người khác, gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của những người có liên quan, xác định hậu quả xảy ra để xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

    vu nem tien tung toe tai da nang can xem xet tu cach dao duc cua can bo
    Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

    Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người trong clip là cán bộ nhưng đã có hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực với người dân, thể hiện thái độ coi thường người khác và gây mất an ninh trật tự thì cần xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về kỷ luật công chức, kỷ luật đảng ở mức độ khiển trách hoặc cảnh cáo.

    Luật sư Cường cũng cho biết, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng, đập phá, chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì có thể bị xử phạt hành chính, nếu hành vi là hủy hoại tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc hành vi gây rối trật tự công cộng đến mức độ ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác mà có đơn thư tố cáo, đề nghị xử lý thì cũng có thể sẽ bị xử phạt hành chính, phải xin lỗi, bồi thường thiệt hại.

    Ngoài ra, cơ quan quản lý cán bộ, công chức cũng cần làm rõ nhân thân lai lịch của cán bộ, xem xét quá trình tu dưỡng rèn luyện và phẩm chất đạo đức của cán bộ này như thế nào. Trong trường hợp hành vi thể hiện đạo đức lối sống không phù hợp, thiếu tu dưỡng rèn luyện thì có thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc, có thể chuyển công tác sang vị trí công tác khác phù hợp hơn, nếu vi phạm hệ thống, không đủ năng lực phẩm chất thì cũng có thể cho thôi việc.

    Hiện nay, quy định về kỷ luật cán bộ, công chức, kỷ luật viên chức được thực hiện theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Theo đó, Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

    “Trong trường hợp người đàn ông trong clip là cán bộ, công chức và hành vi được xác định là vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa, giao tiếp của cán bộ công chức thì người này sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, ít nhất là mức độ khiển trách, nếu nghiêm trọng hơn có thể áp dụng hình thức kỷ luật là cảnh cáo. Còn với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì phải xin lỗi và bồi thường thiệt nếu người bị xúc phạm có yêu cầu”, Luật sư Cường phát biểu.

    Trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy đã có hành vi gây rối trật tự công cộng thì hành vi gây rối trật tự công cộng cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức xử phạt có thể tới 3.000.000 đồng.

    Cũng theo vị Luật sư, Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối quan hệ giữa người đàn ông đó với những người đã được gây rối tại cơ sở kinh doanh này có mối quan hệ như thế nào, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng, cố ý làm hư hỏng tài sản, nếu hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định của bộ luật hình sự.

    Chưa kể, theo quy định tại Điều 32 Luật ngân hàng nhà nước thì các hành vi bị cấm trong hoạt động phát hành tiền bao gồm: Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật; Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành; Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

    “Như vậy, hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do ngân hàng nhà nước phát hành là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm trong Luật ngân hàng nhà nước nên cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét xử lý đối với hành vi này bằng chế tài hành chính để cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi vi phạm”, Luật sư Cường cho hay.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-nem-tien-tai-quan-an-da-nang-can-xem-xet-tu-cach-dao-duc-cua-can-bo-a553033.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan