Lý giải về hành động của mình, Duy khai dùng dây thừng siết cổ tài xế taxi để khống chế, nhằm "quỵt" cước phí.
Liên quan đến vụ thanh niên 20 tuổi dùng dây thừng siết cổ tài xế taxi giữa đêm, tin tức đăng tải trên báo Tiền Phong cho hay, Công an quận 9, TP.HCM đã tạm giữ nghi can Bàn Văn Duy (20 tuổi, ngụ huyện Sơn Đông, tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi Cướp tài sản.
Tại cơ quan điều tra, nghi can Bàn Văn Duy khai hiện là sinh viên theo học một trường ở TPHCM. Tết Nguyên đán vừa rồi, Duy ở lại Sài Gòn để làm thêm, kiếm tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống vì gia đình khó khăn. Tuy nhiên, việc làm thêm không có tiền nên Duy lang thang ở trung tâm thành phố.
Duy tại cơ quan điều tra - Ảnh: Cơ quan công an cung cấp |
Rạng sáng 8/2, Duy đón taxi hãng Vinasun trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TPHCM). Khi lên xe, Duy yêu cầu tài xế chở về trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (trên đường Võ Văn Ngân).
Khi xe vừa qua hầm Thủ Thiêm, Duy nói tài xế tấp vào lề đường rồi xuống xe gọi điện cho bạn. Tuy nhiên suốt 2 tiếng đồng hồ, Duy không liên lạc được với bạn. Do đợi lâu, tài xế hối thúc và yêu cầu Duy trả tiền cước vì sắp đến giờ giao ca. Thấy vậy, Duy nói tài xế chở xuống quận Thủ Đức rồi mượn tiền trả.
Khi taxi qua ngã tư Bình Thái (quận 9), Duy bất ngờ dùng dây thừng choàng vào cổ tài xế Vũ siết mạnh, giật về phía sau rồi ép nạn nhân tấp xe vào lề đường với ý định bỏ trốn.
Tuy nhiên, tài xế chống cự, vùng thoát, bung cửa lao ra ngoài và tri hô, kêu cứu. Nhiều người đi đường đã nghe tiếng kêu cứu liền bao vây, bắt giữ được đối tượng Duy bàn giao cho cơ quan Công an để điều tra, xử lý.
Thông tin thêm về vụ việc, báo VnExpress dẫn lời một cán bộ điều tra cho hay: "Tại cơ quan điều tra, anh ta khẳng định hành vi này nhằm xù tiền xe, song đây chỉ là lời khai từ một phía. Chúng tôi đang làm rõ nhiều tình tiết bất thường về cuộn dây thừng và các căn cứ khác để xác định có hay không dấu hiệu của tội Cướp tài sản.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)