Mới đây, một số diễn đàn lớn trên mạng xã hội lan truyền phát ngôn trên Fanpage của MC Đức Bảo về việc sinh con với nội dung: "Nếu sinh con ra để kế thừa sự vất vả, nghèo khó của bạn. Vậy không sinh con cũng chính là một loại lương thiện".
Ngay sau đó, nam MC đã lên lên tiếng trên trang cá nhân. Anh khẳng định, câu nói trên không phải phát ngôn của cá nhân mình mà do ekip quản lý fanpage chia sẻ chủ yếu đăng các bài viết hài hước, đôi khi lồng một chút triết lý với mục đích đơn thuần là chia sẻ.
Chia sẻ trên cũng là một phần trong số đó, về một quan điểm tuy không phổ biến, nhưng đáng để suy ngẫm về lựa chọn sinh con có trách nhiệm. Tuy nhiên, dù cho không phải phát ngôn do nam MC đưa ra, nhưng cũng khiến dư luận bức xúc, có ý kiến trái chiều.
Trao đổi với PV, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng Cục Dân số Việt Nam (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) không đồng tình với quan điểm trên.
Theo ông Phương, đây là suy nghĩ hoàn toàn không mang tính tích cực. Trước giờ, việc lấy vợ - chồng, sinh con đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của một công dân Việt Nam. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều văn bản về Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh dân số….
Ông phân tích, thời gian vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó có quy định khuyến khích các cặp vợ chồng hãy sinh đủ 2 con và có nói rất rõ vợ chồng nên kết hôn trước 30 tuổi để có con đầu lòng, nên có con thứ 2 trước 35 tuổi để nuôi con khoẻ, dạy con ngoan và những lợi ích của việc sinh con cách nhau 5 năm.
"Đó là sự khuyến khích, quan điểm rất rõ của Đảng, Chính phủ và cơ quan chức năng. Chính vì vậy quan điểm như vậy hoàn toàn không đúng với tinh thần xây dựng, đi trái với đường lối của Đảng và Nhà nước”, ông Phương nhấn mạnh.
Ông Phương cho hay, việc sinh con hiện nay phải xác định đảm bảo về sức khoẻ, kinh tế. Nếu sinh con ra quá nhiều, quá dày, đẻ ra nuôi theo quan điểm "trời sinh voi sinh cỏ" thì hoàn toàn không đúng. Sinh con ra phải có trách nhiệm nuôi dạy nên người.
Từ xa xưa cha mẹ sinh con trong điều kiện rất khó khăn cả về kinh tế, nhận thức, hiểu biết, kinh nghiệm nhưng các cụ vẫn dạy những người con thành đạt, những người con khẳng định được thương hiệu, vị trí, là những công dân tốt xây dựng đất nước cho đến thời điểm hiện nay.
Cùng quan điểm, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em nhấn mạnh, đây là quan điểm mang tính tiêu cực.
Ông Cử phân tích, việc sinh con là nhu cầu cá nhân cũng là trách nhiệm để bảo toàn nòi giống, làm cho đất nước phát triển. Nước ta hiện nay, có nhiều chính sách hiện nay tập trung hỗ trợ người nghèo, có văn bản quy phạm pháp luật văn bản quy phạm pháp luật: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững…phần lớn tập trung hỗ trợ người nghèo.
Vậy nên chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân, đất nước để duy trì nòi giống, làm cho dân số nước ta ổn định, không giảm sâu như một số nước trên thế giới hiện nay. Duy trì nòi giống cũng là sự phát triển bền vững của dân tộc.
“Chính con sinh ra là động lực để cha mẹ phát triển kinh tế và vì tương lai con em mình sẽ nỗ lực hơn, mang lại cho mình động lực phát triển hơn", ông Cử nói.
Mộc Trà