(ĐSPL) – Theo tin tức mới nhất từ Viện Bỏng Quốc gia, vào hồi 10h45 sáng nay (19/7), chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn đã qua đời tại bệnh viện dù đã được cứu chữa tận tình.
Xác nhận với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật trưa nay (19/7), Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, theo tin tức mới nhất mà ông vừa nhận được, thì vào hồi10h45 sáng nay, chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn thuộc Bộ tư lệnh thủ đô Hà Nội, một trong ba chiến sĩ bị thương trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc hôm 7/7 vừa qua đã qua đời tại viện Bỏng Quốc gia, nâng số người hy sinh trong tai nạn thảm khốc này lên con số 19.
Chiến sĩ bị thương trong vụ máy bay rơi ở Hòa Lạc được điều trị đặc biệt tại Viện Bỏng Quốc gia. |
Trước đó, vào ngày 9/7, các chuyên gia đầu ngành của 7 bệnh viện lớn gồm PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (Giám đốc BV Việt Đức) cùng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu; GS Ngô Quý Châu cùng PGS Đỗ Doãn Lợi (Phó giám đốc BV Bạch Mai) cùng trưởng khoa Điều trị tích cực; PGS.TS Nguyễn Gia Bình và các Giám đốc, chuyên gia đầu ngành của các Bệnh viện 103, 108, Bệnh viện Vinmec, Cục Quân y và Học viện Quân y... đã thăm khám cho 3 chiến sĩ bị thương nặng, sau đó tổ chức buổi hội chẩn liên viện để đưa ra hướng điều trị tốt nhất.
Theo đó, 3 chiến sĩ đã được lọc máu liên tục, mở khí quản, cắt loại bỏ tổ chức hoại tử bỏng, nuôi dưỡng tích cực... Các bác sĩ cũng đã chỉ định sử dụng kháng sinh mạnh, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng hỗ trợ Viện Bỏng Quốc gia 3 máy khử trùng để giữ vô trùng tuyệt đối trong phòng bệnh. Bộ Y tế huy động tất cả các giáo sư đầu ngành, sử dụng mọi kỹ thuật y tế tốt nhất, kể cả phương pháp ECMO (chạy tim phổi nhân tạo) nhằm cứu chữa cho các chiến sĩ và hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị này.
Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng rất tiếc chiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn vẫn không qua khỏi.
Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, chiến sĩ Tuấn hy sinh, tang lễ sẽ được bên Bộ tư lệnh Thủ đô lo chu đáo.
Như vậy là vụ tai nạn máy bay đã khiến 19 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sỹ vẫn đang được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia.
Khoảng 7h30 phút sáng ngày 7/7, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, Hà Nội. Đến khoảng 7h 46 phút cùng ngày, do sự cố kỹ thuật, máy bay rơi tại địa phận thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay khoảng 3km và bốc cháy dữ dội. Phi công được cho là đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi máy bay rơi xuống đất. Vụ tai nạn máy bay thảm khốc đã khiến 19 chiến sĩ hy sinh, 2 chiến sĩ bị thương nặng đang được điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia. |