(ĐSPL) - Kogalymavia, công ty sở hữu hãng hàng không giá rẻ Metrojet đã nợ lương nhân viên trong 2 tháng bao gồm cả phi công vừa thiệt mạng trên chuyến bay xấu số. Tổng số tiền lên tới tới hơn 1 triệu USD.
Các mảnh vỡ của máy bay Nga bị rơi tại Ai Cập - Ảnh: Getty |
Theo Trí Thức Trẻ, thông tin đáng chú ý trên do báo Telegraph đăng tải hôm 2/11. Tờ báo này dẫn lời ông Alexander Snagovsky, tổng giám đốc của Kogalymavia, nói rằng công ty mẹ này đang nợ nhân viên 2 tháng lương, tổng cộng 70 triệu ruble (tương đương 1,07 triệu USD).
Gia đình của Sergey Trukhachov, cơ phó trên chuyến bay 7K9268 xấu số, cho biết tháng lương gần nhất ông nhận được là vào tháng 7. Trước đó, vợ của Trukhachov cũng tiết lộ viên phi công này đã than phiền về máy bay trước khi thảm họa xảy ra.
Trong khi đó, Telegraph còn tiết lộ thêm rằng Kogalymavia cũng gánh chịu ít nhất 2 vụ tai nạn nghiêm trọng trong các năm 2010, 2011 trước khi chấm dứt sử dụng máy bay loại Tupolev và đổi thương hiệu thành Metrojet như ngày nay.
Phó Giám đốc hãng hàng không Kogalymavia (Metrojet) Alexander Smirnov hôm 2/11 khẳng định chiếc máy bay mới gặp nạn không hề gặp bất cứ trục trặc kỹ thuật nào hay lỗi phi công.
Quân đội Ai Cập tiếp cận phần đuôi máy bay mã hiệu A321 của Nga bị rơi ở Hassana - Ảnh: AP. |
Vnexpress đưa tin, thảm kịch hôm 31/10 là vụ tai nạn chết người thứ hai trong ba năm qua của Metrojet. Hãng hàng không giá rẻ này đã đặt lại thương hiệu vào năm 2012 sau khi ba hành khách thiệt mạng trong một vụ hỏa hoạn của máy bay Tupelov-154 trên đường băng ở tây Siberia.
Ngoại trừ hãng hàng không quốc gia Aeroflot, ngành công nghiệp hàng không Nga thường sử dụng các máy bay giá rẻ và cũ của châu Âu và Mỹ trong các tuyến quốc tế. Thậm chí những phi cơ lâu đời hơn do Nga sản xuất cũng được sử dụng cho các đường bay nội địa.
Nga là nước có hồ sơ an toàn hàng không tồi tệ nhất thế giới. Thảm kịch tuần trước là tai nạn chết người thứ 7 liên quan tới các hãng hàng không nước này trong 5 năm qua.
Chiếc Airbus A321 rơi ở Ai Cập đã hoạt động được 18 năm và từng gặp sự cố khi hạ cánh năm 2011.
Dữ liệu máy bay ghi lại bằng Radar:
[mecloud]OvYGF09vT1[/mecloud]
Thảm kịch ở Sinai là vụ tai nạn máy bay Airbus thứ 10 trong nhiều năm: Ngày 24/3/2015, một chiếc A320 Germanwings đã bị rơi tại dãy Alps của Pháp, làm 150 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân do phi công phụ người Đức có tiền sử bệnh trầm cảm, cố tình làm chiếc máy bay rơi, các nhà điều tra cho biết Ngày 28/12/2014, một máy bay A320 thuộc một hãng hàng không giá rẻ của Malaysia, AirAsia đã bị rơi ở Indonesia. Tất cả 162 người trên máy bay đã thiệt mạng. Ngày 28/7/2010, một máy bay A321 của hãng hàng không Pakistan, Airblue bị rơi ở khu vực Margalla Hills gần thủ đô Islamabad của Pakistan, làm tất cả 152 người trên máy bay thiệt mạng. Ngày 12/5/2010, một máy bay A330 thuộc hãng hàng không Libya, Afriqiyah Al gặp tại nạn tại sân bay Tripoli, làm 103 người thiệt mạng. Một cậu bé 9 tuổi may mắn sống sót. Ngày 30/6/2009, 152 người đã thiệt mạng khi một chiếc A310 của hãng hàng không Yemen, Yemenia cố gắng hạ cánh xuống sân bay Moroni sau khi hoàn tất chặng bay từ Pháp nhưng không thành công và đã rơi xuống vùng biển thuộc đảo Comoros.. Người sống sót duy nhất là một cô gái 14 tuổi. Ngày 01/6/2009, một máy bay A330 của Air France bay từ Rio de Janeiro tới Paris đã bị rơi ở Đại Tây Dương, làm 228 người thiệt mạng. Ngày 17/7/2007, một máy bay A320 của hãng hàng không Brazil, TAM đâm vào một nhà kho ở sân bay Sao Paulo, bốc cháy và làm 199 người thiệt mạng. Ngày 9/7/2006, 140 người đã thiệt mạng khi chiếc máy bay A310 của Nga gặp sự cố trong khi cố gắng hạ cánh tại Irkutsk, Siberia. Ngày 03/5/2006, một máy bay A320 thuộc hãng hàng không Armavia, Armenia lao ở Sochi, Nga, làm 125 người thiệt mạng. |
GIA BẢO(Tổng hợp)
Video được xem nhiều:
Vụ máy bay Nga rơi: Đổi vé phút chót, 2 cô gái thoát chết
[mecloud]EULrzyrRxx[/mecloud]