Sáng 20/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan xung quanh câu chuyện một nốt xe vào bến Mỹ Đình phải "chạy" với mức giá 500 - 600 triệu đồng.
Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Một thế giới |
Tại cuộc họp nội bộ này, ngoài lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội còn có sự tham gia của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội và các đơn vị bến xe trên địa bàn thành phố.
Theo nguồn tin từ Sở này, trong ngày 21/10, nội dung và kết luận của cuộc họp sáng 20/10 sẽ được tổng hợp và báo cáo với Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, từ năm 2013 đến nay bến xe Mỹ Đình luôn duy trì ở mức cố định 1642 nốt xe ra vào bến nên không thể có chuyện "chạy" lốt với giá hàng trăm triệu đồng như vậy.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội khẳng định, từ năm 2013 đến nay bến Mỹ Đình giữ mức 1642 lốt xe nên không thể có chuyện tiêu cực. |
"Không có thêm lốt mới từ mấy năm nay thì lấy đâu ra tiền tiêu cực, lấy đâu ra chuyện chạy suất, chạy lốt?
Còn việc giữa các đơn vị vận tải họ mua đi bán lại như thế nào thì không thể kiểm soát được", ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội nói.
Báo cáo của Sở này giải thích thêm, việc mua bán "lốt" xe (cho phép xe chạy trên tuyến cố định) tại một số đơn vị vận tải đã gây hiểu nhầm trong dư luận xã hội về tiêu cực trong công tác quản lý nhà nước.
Bởi một đơn vị vận tải thường có nhiều cổ đông, mỗi cổ đông là một nhà xe.
Việc các nhà xe chuyển nhượng "lốt" xe, thay thế xe là việc nội bộ của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp vào phương án kinh doanh của đơn vị vận tải.
Cũng trong cuộc họp này, đại diện một bến xe đã lên tiếng về việc nhà xe Phú Quý, Nguyên Oanh của Nghệ An tăng xe vào bến Mỹ Đình sau năm 2013.
Nói về điều này, lãnh đạo Sở GTVT cho hay, qua kiểm tra thấy có 4 xe của các nhà xe này vào hoạt động tại bến Mỹ Đình.
Tuy nhiên, đó là hình thức thay xe mới trong nội bộ nhà xe này chứ không hề có chuyện cấp thêm xe mới vào bến này hoạt động.
Tại cuộc họp này, Sở GTVT Hà Nội cũng đề nghị Bộ GTVT sửa Thông tư số 63/2014/TT - BGTVT cho phù hợp với thực tiễn theo hướng giảm thủ tục hành chính vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, ban hành quy định và hướng dẫn cách tính công suất bến xe khách. Điều chỉnh quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Theo Trí Thức Trẻ
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]PY3bxFAcOZ[/mecloud]