Nhận định về vụ kiện gây xôn xao giới showbiz giữa bà Đặng Thùy Trang và bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên (hoa hậu Thùy Tiên), Luật sư Nghiêm Quang Vinh – Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Quyền khởi kiện của đương sự là một trong những quyền cơ bản của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, đồng thời được thể chế hóa cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Theo quy định của pháp luật thì người khởi kiện có quyền đưa ra yêu cầu khởi kiện để yêu cầu được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nhưng cũng có nghĩa vụ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và hợp pháp thì tòa án mới có thể xem xét chấp nhận.
Được biết, TAND quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) đã thụ lý vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, chấm dứt hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân giữa hoa hậu Thùy Tiên và bị đơn là bà Đặng Thùy Trang. Trong vụ kiện này, hoa hậu Thùy Tiên yêu cầu tòa buộc bà Trang bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho cô là 387,6 triệu đồng.
Có nhiều câu hỏi đặt ra, vụ việc có dấu hiệu hình sự hay không? Theo Luật sư Nghiêm Quang Vinh, việc này còn phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng của nội dung thông tin đăng tải.
Cùng thời gian này, TAND quận Gò Vấp cũng đã thụ lý vụ tranh chấp hợp đồng do nguyên đơn là bà Đặng Thùy Trang kiện hoa hậu Thùy Tiên đòi bồi thường số tiền 2,4 tỷ đồng (bao gồm 1,5 tỷ đồng tiền nợ và 932 triệu đồng tiền bồi thường). Luật sư Vinh cho rằng, cùng với việc các đương sự phải đưa ra căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình thì cơ quan có thẩm quyền cũng phải xác minh, làm rõ sự thật của việc vay mượn tiền là như thế nào? Có hành vi vay mượn thật hay không? Có kèm theo điều kiện gì khi cho vay…
Về tiến trình giải quyết vụ án, sau khi vụ án được thụ lý, tòa án sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.
Cùng bàn về vụ kiện “có một không hai” này, TS. LS. Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Trong vụ kiện mà nguyên đơn là bà Thùy Trang yêu cầu tòa án buộc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên trả cho bà gần 2,4 tỷ đồng; đồng thời, bà Đặng Thùy Trang buộc Thùy Tiên phải cải chính thông tin, đăng thông báo xin lỗi công khai trên ba trang báo.
Theo Luật sư Cường, để tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện này thì nguyên đơn phải cung cấp các thông tin tài liệu cho tòa án để chứng minh rằng mình đã chuyển số tiền 1,5 tỷ đồng trên cho Hoa hậu Thùy Tiên vay và đến nay Thùy Tiên vẫn không trả lại tiền. Nếu hoa hậu Thùy Tiên thừa nhận đã nhận số tiền này, nhưng chưa trả thì đây là chứng cứ không phải chứng minh.
Trường hợp hoa hậu không thừa nhận là đã nhận số tiền này hoặc thừa nhận đã nhận số tiền này nhưng đã trả rồi thì nguyên đơn cần phải xuất trình các tài liệu chứng cứ như chứng cứ ghi âm, ghi hình, giấy xác nhận hoặc người làm chứng để chứng minh đã có việc chuyển giao số tiền này để cho vay.
“Trong trường hợp Thùy Trang không chứng minh được và có căn cứ cho thấy có chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ thì cũng có thể đề nghị tòa án thu thập chứng cứ để giải quyết theo quy định của pháp luật”, Luật sư Cường phát biểu.