+Aa-
    Zalo

    Vụ "khởi tố, truy tố rồi... treo 21 năm": Công an nhận trách nhiệm bồi thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ông Trương Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao cho biết, vụ ông Phan Văn Lá người “21 năm làm... bị can” đã được bồi thường 470 triệu và tổ chức xin lỗi ông này.

    (ĐSPL) - Ông Trương Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao cho biết, vụ ông Phan Văn Lá người “21 năm làm... bị can” đã được bồi thường 470 triệu và tổ chức xin lỗi ông này.

    Theo tin tức trên báo Pháp Luật TP.HCM, sáng 8/6, theo thư mời, ông Phan Văn Lá (ngụ xã Vĩnh Công, Châu Thành, Long An) đã tới Công an huyện để trao đổi về số tiền cụ thể mà ông đã yêu cầu bồi thường oan trước đó. Trong buổi làm việc này, Công an huyện đã chính thức đứng ra nhận trách nhiệm sẽ bồi thường cho ông Lá. Như vậy sau 21 năm bị kết án oan và bị đùn đẩy trách nhiệm, đến nay ông Lá đã được một cơ quan tố tụng nhận trách nhiệm sẽ bồi thường oan cho ông.

    Tại buổi làm việc, ông Lá đã yêu cầu Công an huyện bồi thường oan cho ông gần 500 triệu đồng (gồm tiền tổn thất tinh thần trong những ngày bị tạm giam, tiền mất thu nhập thực tế…).

    Ông Phan Văn Lá - Ảnh: Báo Thanh Niên

    Theo báo Tuổi Trẻ, trước đó, chiều ngày 5/6, trong phiên họp toàn thể của Quốc Hội thảo luận Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, ông Trương Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao cho biết, đã xin lỗi và bồi thường 470 triệu cho ông Phan Văn Lá (ngụ ấp 8, xã Vĩnh Công, Châu Thành, Long An; người suốt 21 năm làm bị can).

    Ông Trương Hòa Bình khẳng định: “Việc để xảy ra oan sai là không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tố tụng, tư pháp và ảnh hưởng đến nền công lý của nước nhà. Đây là vấn đề liên quan đến quyền tự do công dân, quyền con người, quyền được sống nên chúng ta phải giải quyết một cách triệt để”.

    Chia sẻ trên báo Pháp luật & Xã hội, anh Lá cho hay, sự việc xảy ra vào 22h ngày 21/7/1991. Tối hôm đó, hai anh em ruột anh Lá là Phan Văn Tân, 15 tuổi và Phan Văn Châu, 13 tuổi, đang đi đánh cá ở ngoài ruộng thuộc ấp 1, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành thì nghe tiếng người dân la ó là mất điện. Nghi có kẻ gian cắt trộm dây điện, người dân đi tuần tra thì phát hiện có người đang cuốn dây điện vừa cắt xong và bỏ chạy.

    Lúc đó, hai anh em Tân và Châu đang soi cá gần đó, nghe xôn xao tiếng: “Điện …điện…điện” họ không hiểu chuyện gì sợ bị thu bình điện chích cá bỏ chạy. Nhìn thấy hai anh em Tân và Châu tháo chạy, người dân truy bắt và đưa về đồn công an. Cũng theo anh Lá, anh em Tân và Châu bị ép cung nên phải khai anh trai là Phan Văn Lá chủ mưu trong vụ việc ăn cắp dây điện của ấp 1 tối hôm đó.

    “Khi đó, 2 em tôi còn nhỏ, sợ bị đánh nên khai ra tôi để được cho về. Vài hôm sau, công an xuống nhà còng tay tôi bắt về đồn, sau đó cả 3 anh em tôi bị công an huyện Châu Thành khởi tố về tội hủy hoại tài sản xã hội chủ nghĩa theo Điều 138 BLHS 1985. Do chưa đủ tuổi thành niên nên 2 em tôi được thả, trao trả về cho gia đình giáo dục, còn tôi bị tạm giam 2 tháng để phục vụ quá trình điều tra. Tháng 12/1991, TAND huyện Châu Thành tuyên phạt tôi 4 năm tù về tội trên, cho rằng tôi là người chủ mưu, trong việc thực hiện trộm cắp dây điện của đêm hôm đó của ấp 1”, anh Lá Nghẹn ngào.

    Sau đó, anh Lá kháng cáo, cho rằng mình bị oan sai. Tháng 9/1992, TAND tỉnh Long An đưa vụ án ra xử phúc thẩm và đã hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại. Sau hai lần đưa vụ án ra xét xử nhưng không có chứng cứ, ngày 14/10/1992 VKSND huyện Châu Thành hủy bỏ việc tạm giam, trả tự do cho anh Lá (tính đến thời điểm này, anh Lá đã bị giam 15 tháng). Anh Lá than thở, lúc về, tôi vác đơn đi kêu oan khắp nơi nhưng chẳng nơi nào chịu nhận, có nơi nhận thì không trả lời, còn lúc lên TAND huyện thì người ta nói không còn lưu giữ hồ sơ.

    Mãi đến tháng 9/2013, sau hơn 21 năm, CQĐT mới ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Lá. Được đình chỉ, ông Lá lại tiếp tục hành trình yêu cầu cơ quan tố tụng phải công khai xin lỗi và bồi thường oan cho mình nhưng một lần nữa, chẳng cơ quan tố tụng nào chấp nhận sẽ xin lỗi, bồi thường cho ông.

    Ông Lá hai lần khởi kiện ra TAND huyện yêu cầu chính tòa này phải bồi thường oan và công khai xin lỗi nhưng cả hai lần tòa đều từ chối nhận đơn kiện. Lý do:Tòa này cho rằng lỗi thuộc về CQĐT không điều tra lại, để hết thời hạn điều tra nên tòa không có trách nhiệm bồi thường.

    Ngược lại, hai ngành công an và kiểm sát ở tỉnh Long An cũng như Bộ Công an, VKSND Tối cao, Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) đều cho rằng trách nhiệm bồi thường oan thuộc về TAND huyện. Trong khi đó, ngành tòa án tỉnh Long An và TAND Tối cao lại nói trách nhiệm thuộc về Công an huyện.

    Trước tình huống trên, Tỉnh ủy Long An đã chủ trì giải quyết khiếu nại của ông Lá nhưng Bộ Công an, VKSND Tối cao và TAND Tối cao không thống nhất được cơ quan nào sẽ đứng ra bồi thường cho ông Lá. Vì vậy Tỉnh ủy Long An đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương rồi mới có quyết định cụ thể.

    Tháng 12/2014, Ban Nội chính Trung ương đã làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Long An về vấn đề này. May sao cuối cùng Công an huyện Châu Thành đã nhận trách nhiệm sẽ bồi thường oan cho ông Lá.

    KIM THÀNH(Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-khoi-to-truy-to-roi-treo-21-nam-cong-an-nhan-trach-nhiem-boi-thuong-a97852.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.