(ĐSPL) - “Cái được ít hơn cái mất và đó không phải là đích đến của nền tư pháp này”, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã nói về vụ xử lý chủ quán cà phê Xin Chào.
Trao đổi trên báo Thanh Niên vào ngày 22/4, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết: “Từ ngày 20/4, một số người dân và những người có trách nhiệm đã nhắn vào điện thoại của tôi về việc ngày 28/4 tới Tòa án huyện Bình Chánh sẽ xử lý vụ chủ quán cà phê Xin Chào có nhiều nhiều vấn đề, khiến dư luận bức xúc. Sau đó, tôi đã yêu cầu Tòa án nhân dân TP.HCM báo cáo sự việc. Các anh trong đó đã báo cáo là không yên tâm về mặt hồ sơ, các chứng cứ không chắc chắn, có nhiều sai sót, như biên bản phạt ghi ngày giờ không thống nhất với nhau. Tôi đã yêu cầu anh em phải cân nhắc thận trọng, đến ngày hôm sau thì Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh trả hồ sơ sang Viện kiểm sát”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (Ảnh: Dân Trí) |
Theo báo Dân Trí, vừa qua Thủ tướng Chính phủ và Bí thư Thành ủy TPHCM đều có những chỉ đạo về việc tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh.
“Xử lý doanh nghiệp như vậy có tạo ra môi trường thông thoáng hay không? Hơn nữa chỉ ít thời gian nữa thôi là Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực. Trên cơ sở xem xét, đánh giá hồ sơ, tôi được anh em báo cáo là không chắc chắn, có nhiều sai sót, trong đó như biên bản phạt ghi ngày giờ không thống nhất với nhau. Đến sáng ngày 21/4 thì Tòa án TPHCM đã thông báo trả lại hồ sơ”- ông Bình nói.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc trả hồ sơ là việc xem xét độc lập của tòa án. “Tòa án trả lại hồ sơ cho Viện kiệm sát và đưa ra các yêu cầu, nhưng tôi chưa rõ đó là những yêu cầu nào bởi tòa án hoạt động độc lập. Trên cơ sở yêu cầu của tòa án thì viện kiểm sát sẽ xem xét có khả năng làm được thì sẽ làm... Nếu sau đó cân nhắc mọi thứ đúng tội thì cơ quan điều tra sẽ gửi lại hồ sơ sang tòa”- ông Bình nói về quy trình xử lý vụ việc.
Dù chưa tiếp cận cụ thể với hồ sơ vụ án nhưng trên cơ sở báo cáo của TAND TPHCM và những thông tin nắm được qua báo chí, Chánh án Nguyễn Hòa Bình bày tỏ: “Nếu xử thì cái được ít hơn cái mất. Nền tư pháp này ở giai đoạn nào cũng thế thôi, công an, viện kiểm sát hay tòa án làm thế nào để nghiêm minh và lòng người phục hơn, bản án phải đạt được cái độ tâm phục, khẩu phục nhưng vụ án này chưa xử đã thấy tâm không phục rồi. Đấy không phải đích đến của nền tư pháp này”.
Ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, cách đây không lâu, với tư cách Viện trưởng VKSND Tối cao, ông đã yêu cầu toàn hệ thống VKSND các cấp phải lưu ý khi xem xét phê duyệt những tội danh sẽ được bỏ đi kể từ ngày 1/7/2016.
“Tôi đã yêu cầu anh em phải kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ chứng cứ thì mới làm, không thì không nên khởi tố”- ông nói.
NINH LAN(Tổng hợp)