Theo một thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/3 (giờ địa phương), Moscow chuẩn bị triển khai lực lượng hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus theo đề nghị của Minsk. Động thái này đã gửi một lời cảnh báo tới các nước phương Tây về sự hỗ trợ của họ đối với Ukraine, đồng thời làm leo thang hơn nữa căng thẳng hiện có trong cuộc xung đột.
Được biết, vũ khí hạt nhân chiến thuật đề cập đến những vũ khí được sử dụng vì lợi ích cụ thể trên chiến trường. Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng.
Hiện chưa rõ Nga sở hữu khoảng bao nhiêu vũ khí hạt nhân chiến thuật bởi đây là một lĩnh vực được giữ kín kể từ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Mỹ tin rằng Nga sở hữu khoảng 2.000 đầu đạn chiến thuật đang hoạt động, gấp 10 lần so với Washington.
Ông Putin khẳng định quyết định của Nga không vi phạm bất kỳ cam kết nào về vấn đề hạt nhân, tuy nhiên, đây vẫn được xem là một tín hiệu hạt nhân rõ nhất của Moscow kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Mỹ, một cường quốc hạt nhân khác, đã phản ứng một cách thận trọng đối với tuyên bố của Nga. Các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hiện giờ họ vẫn chưa thất bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông chủ Điện Kremlin giải thích việc Nga triển khai lực lượng hạt nhân chiến thuật ở Belarus giống với việc Mỹ đặt vũ khí hạt nhân ở các quốc gia đồng minh. Trong đó, Nga nói rằng họ sẽ không chuyển giai quyền điều khiển vũ khí hạt nhân cho Belarus. Dù vậy, các nhà quan sát đánh giá đây là một bước đi đáng chú ý của Nga, đánh dấu lần đầu tiên từ những năm 1990, Moscow triển khai vũ khí hạt nhân ra bên ngoài lãnh thổ.
Cụ thể, trong thông báo trên truyền hình, ông Putin lưu ý: "Không có gì khác thường ở đây. Thứ nhất, việc này đã được Mỹ thực hiện trong nhiều thập kỷ, họ đã triển khai lực lượng hạt nhân trên lãnh thổ các nước đồng minh từ lâu. Do đó, chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các thoả thuận, tôi xin nhấn mạnh, việc này không vi phạm nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân".
Các chuyên gia nói với Reuters rằng động thái này của Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì trước nay Moscow luôn nói rằng họ không giống Mỹ, không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài biên giới của mình.
Quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ lưu ý rằng Nga và Belarus đã thảo luận về vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trong một thời gian.
"Chúng tôi không thấy bất kỳ lý do gì để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của mình cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tập thể của liên minh NATO", quan chức này nói thêm.
Minh Hạnh(Theo Reuters)