Anh Tám bất ngờ rút một điếu thuốc, tung về phía Khánh. Bị bất ngờ với phản xạ bản năng, Khánh “trắng” đưa tay ra đỡ điếu thuốc bằng tay… trái. Anh Tám tủm tỉm cười: “Thuận tay trái à?”. Lúc đó, Khánh “trắng" mới đớ ra: “Cán bộ biết rồi còn hỏi”.
Điểm lại hành trình phạm tội của Khánh “trắng”
Lật lại lý lịch của Khánh “trắng”, thấy gã sinh ra trong một gia đình khá phức tạp (bố lấy 3 bà vợ, mẹ cũng 3 đời chồng). Khánh học hết lớp 5 thì bỏ học. Sau nhiều lần ra tù vào khám với 5 tiền án, tiền sự, đến năm 1989, Khánh mua xe xích lô ra gầm cầu Long Biên chở hàng thuê.
Ngày 17/7/1991, Khánh làm đơn xin thành lập đội dịch vụ bốc xếp tự quản với số thành viên ban đầu là 140 người và 50 chiếc xích lô. Sau đó, từ việc quản chợ Đồng Xuân, Khánh tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra khu vực chợ Bắc Qua và các khu vực khác.
Đến năm 1996, Dương Văn Khánh chính thức trở thành Chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân với quân số của nghiệp đoàn khoảng 500 người. Khánh đưa ra luật cho các tiểu thương: không ai được phép bốc dỡ hàng hóa của mình, mà buộc phải thuê quân của nghiệp đoàn. Toàn bộ số tiền thu được, đàn em phải nộp lại cho hắn. Khánh “trắng” còn tự ý phạt ôtô đi ngược chiều, phạt những người lấn chiếm lòng, lề đường, thu lệ phí của những người ở tỉnh xa ra vào khu vực chợ Đồng Xuân, Long Biên.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo Bộ Công an nhận được rất nhiều đơn tố cáo về các hành vi phạm tội nghiêm trọng của băng nhóm giang hồ do Khánh “trắng” cầm đầu. Đặc biệt là vụ giết anh Nguyễn Đức Thắng, tức Đạt ở 44 Hàng Chiếu vào ngày 24/1/1991, dù tội ác rành rành là của Khánh “trắng” nhưng chỉ có một tên đàn em của hắn là Vũ Quốc Dũng bị chịu tội… 1 năm tù giam vì hành vi phòng vệ chính đáng vượt quá giới hạn. Và thời điểm người dân tố cáo, vụ án đã được xử qua phiên sơ thẩm, phúc thẩm, đối tượng Dũng đã thi hành án xong và trở về địa phương.
Lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho Cục Cảnh sát hình sự làm công tác điều tra cơ bản, thu thập tất cả các tài liệu liên quan đến băng Khánh “trắng”. Công việc khởi đầu rất khó khăn, vì vụ án xảy ra đã hơn 5 năm, nhiều tài liệu của vụ án đã bị thất lạc, trong khi một số tài liệu lại được hợp pháp hóa chặt chẽ. Do băng nhóm Khánh “trắng” lộng hành quá lâu, Khánh lại đang là Chủ tịch nghiệp đoàn bốc xếp chợ Đồng Xuân nên ảnh hưởng khá lớn, khiến cả nhân chứng lẫn người bị hại đều sợ bị trả thù…
Chợ Đồng Xuân một thời bị Khánh “trắng” làm mưa làm gió. |
Tháng 5/1996, thời cơ phá băng nhóm Khánh “trắng” đã đến. Vì anh Nguyễn Thế Mạnh, chủ quán karaoke ở 71E-D Kim Mã nợ tiền Khánh “trắng” không có khả năng thanh toán nên Khánh đã tập hợp hơn 40 tay chân đến quán karaoke của Mạnh đòi nợ. Không đòi được tiền, Khánh “trắng” chỉ đạo đám đàn em tháo dỡ hết trang thiết bị của quán mang về trụ sở nghiệp đoàn…
Xác định đây là vụ cướp tài sản, Ban chuyên án của Tổng cục Cảnh sát đã mời Viện KSND tối cao họp bàn và thống nhất quan điểm phải bắt khẩn cấp Khánh “trắng” và đồng bọn với tội danh “cướp tài sản”.
Vì đã nắm chắc về các đối tượng nên Ban chuyên án quyết định “gom” một mớ lại tại nhà Khánh “trắng” để bắt. Biết tâm lý của Khánh “trắng” vì có nhiều ân oán trong giang hồ nên rất sợ bị các băng nhóm khác trả thù, trước ngày bắt, các trinh sát đã tung tin: ngày, giờ này, bọn Mạnh sẽ thuê người đến tận nhà Khánh “trắng” để trả thù. Tức tốc, Khánh “trắng” gọi ngay tất cả đám đàn em thân tín đến nhà hắn để bảo vệ.
Thế là, lực lượng trinh sát, điều tra viên của Tổng cục Cảnh sát, đặc nhiệm Công an TP Hà Nội với số lượng áp đảo, trang thiết bị hiện đại chỉ cần ập vào, bắt gom cả đám tại tầng 1 nhà Khánh “trắng”.
Dùng trí “đánh gục” ông trùm
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, ngày ấy mang hàm Thiếu tá, công tác tại Cục Cảnh sát điều tra, được Ban chuyên án tin tưởng giao trọng trách đấu trí với tên trùm Khánh “trắng”.
Cho đến thời điểm này, Đại tá Phạm Văn Tám vẫn thừa nhận “Không phải lúc nào cũng gặp được đối thủ như Khánh “trắng””. Đó là cuộc đấu trí để người điều tra viên thể hiện và trải nghiệm được hết bản lĩnh, sự khôn khéo và trình độ nghiệp vụ của mình. Khánh “trắng” không chỉ là lưu manh chuyên nghiệp, mà còn là kẻ thông minh, gian xảo và rất lỳ lợm, có kinh nghiệm đối phó với việc điều tra và khai báo.
Để hỏi cung hắn có hiệu quả, đồng chí Tám đã phải nghiên cứu rất kỹ tâm lý đối tượng và liên tục thay đổi chiến thuật hỏi cung... Với sự quan sát tinh tế, anh Tám thừa biết lúc nào Khánh “trắng” có lời khai gian dối, bởi lúc đó hắn đều nhìn trộm điều tra viên và vết sẹo do bị tạt axit ở vành tai lại đỏ lên trên làn da trắng. Từ đó, các anh biết lựa thế để “đấu”, đánh gục tên trùm giang hồ này.
Chuyên án về Khánh “Trắng” gồm 9 vụ án đều liên quan vai trò của Khánh “Trắng”: Nhưng trọng điểm là vụ giết người ở 44 Hàng Chiếu, vì đây là vụ mà Khánh “Trắng” trực tiếp ra tay, lại còn chủ mưu làm sai lệch hồ sơ vụ án để chạy tội. Vì thế, việc đấu tranh làm rõ có ý nghĩa quan trọng để xử lý đúng người đúng tội.
Vụ án xảy ra khi Nguyễn Đức Thắng (tức Đạt) xích mích với Trần Đại Dương, một đàn em của Khánh “trắng”. Khi Khánh “trắng” cùng đám đàn em Trần Đại Dương, Vũ Quốc Dũng, Phạm Gia Chiến, Tống Văn Thắng đi ngang số nhà 44 Hàng Chiếu thì gặp Hưng, anh ruột Đạt. Khánh “trắng” hô đàn em bắt Hưng. Hưng chống cự, liền bị cả bọn quây lại đánh hội đồng. Biết anh đang bị đánh, Đạt cướp dao thái thịt của chị Hoa ở đường Nguyễn Thiện Thuật chạy đến đâm Chiến và Dũng bị thương. Đạt bị nhóm Khánh “trắng” bắt, đưa lên xích lô, nhưng khi đến Công an phường Đồng Xuân thì Đạt đã chết.
Việc đầu tiên của cơ quan điều tra là phát động quần chúng tố giác tội phạm. Từ đó, các anh đã “lọc” được 4 nhân chứng bắt buộc và quan trọng nhất, tách riêng ra, bố trí cho họ ở những nơi bí mật, rồi động viên họ khai báo. Khi hiểu được bản chất của Khánh “trắng” là gây ra tội ác, nhưng lại đổ hết cho đàn em, họ đã mạnh dạn tố cáo hành vi giết người của Khánh “trắng” và sau này, đồng ý ra tòa làm chứng việc Khánh “trắng” đâm chết anh Đạt.
Điều tra viên Phạm Văn Tám phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ vụ giết anh Đạt, từ đó phát hiện ra những mâu thuẫn: dấu vết khóa số 8 ở 2 cổ chân đã bị bỏ qua, mà điều này đủ sức tố cáo một điều: nếu anh Đạt đã bị đâm thủng phổi, thủng đùi thì sao còn bị khóa chân? Do đó, chứng tỏ, anh Đạt vẫn còn khỏe mạnh lúc lên xích lô. Hơn nữa, dù đứng ở tư thế nào khi đối diện với nạn nhân, Vũ Quốc Dũng (người nhận đâm chết Đạt) cũng không thể đâm được 3 nhát liên tiếp với những chiều hướng, tư thế hoàn toàn trái ngược nhau, trong khi, với tư thế ngồi trên xích lô của Khánh “Trắng” và tư thế Đạt bị khóa 2 chân thì Khánh “Trắng” hoàn toàn có thể đâm được Đạt.
Vì thế, trong các cuộc hỏi cung, điều tra viên Phạm Văn Tám quyết định hỏi nhằm vào “con dao” của anh Đạt (cũng là con dao đâm chết nạn nhân). Tuy Khánh “trắng” nhất định không khai nhận việc giết anh Đạt, nhưng hắn buộc phải thừa nhận chỉ có mình hắn ngồi áp tải anh Đạt trên xích lô và cầm con dao đó từ 44 Hàng Chiếu đến chợ Đồng Xuân. Hơn nữa, vết đâm chí mạng vào vai trái, khiến anh Đạt chết phải là của người thuận tay trái, mà dù cố gắng giấu giếm, Khánh “trắng” đã bị lộ tẩy thói quen thuận tay trái bởi một đòn cân não rất khôn khéo của điều tra viên. Đó là, dù biết Khánh “trắng” thuận tay trái nhưng nhiều ngày, anh Tám lờ đi, không nhắc đến.
Liên tục từ năm 1991 đến tháng 5/1996, cái tên Dương Văn Khánh, tức Khánh “trắng” nổi lên như cồn trong giới giang hồ Hà Nội. Cái tên Khánh “trắng” đơn giản chỉ bắt nguồn từ nước da trắng bủng của hắn và sau này, trong giới giang hồ, cái tên ấy đi kèm với một loạt những tội ác mà bất cứ người dân lương thiện nào cũng khiếp sợ.
Biết Khánh nghiện thuốc lá nặng, một ngày vào hỏi cung, anh cất bao thuốc trong túi và rút từng điếu hút trước mặt để gợi cơn thèm thuốc của hắn. Khi biết cơn nghiền thuốc lá của Khánh “trắng” lên tới đỉnh điểm, anh Tám mới hỏi “có hút không?”, rồi bất ngờ rút một điếu thuốc, tung về phía Khánh “trắng”. Bị bất ngờ nên với phản xạ bản năng, Khánh “trắng” đưa tay ra đỡ điếu thuốc bằng tay… trái. Anh Tám tủm tỉm cười: “Thuận tay trái à?”. Lúc đó, Khánh “trắng" mới đớ ra: “Cán bộ biết rồi còn hỏi”.
Khi bị đưa ra xét xử và tuyên án tử hình, trước các chứng cứ chặt chẽ mà cơ quan điều tra đưa ra, Khánh “trắng” đều chấp nhận và không hề kêu “oan”. Ngày 13/10/1998, bản án tử hình Dương Văn Khánh đã được thi hành tại trường bắn Cầu Ngà.
Theo Báo Công an Nhân dân
[mecloud]p4BU866oFF[/mecloud]