Đã hai tuần trôi qua, dư luận vẫn tiếp tục quan tâm đến cái chết đau xót của cháu Phạm Thị Nhung, học sinh lớp 3A, Trường TH Đức Bồng, Vũ Quang. Cấp ủy Đảng, CQ địa phương, nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước quan tâm chia sẻ tới hoàn cảnh gia đình em Nhung và muốn biết thêm thông tin về sự thật gia cảnh em Nhung như thế nào…
Chị Quý bên bàn thờ con. |
Nghèo nhưng không đến nỗi chết đói
Chúng tôi đã trở về thôn 6 xã Đức Bồng huyện Vũ Quang chia sẻ nỗi mất mát với gia đình, tìm hiểu thực hư hoàn cảnh gia đình cháu Nhung.
Theo bà Nguyễn Thị Vinh (bà ngoại) anh Phạm Hồng Vân (bố đẻ cháu Nhung) quê ở Hương Minh. “Năm 2003 bố cháu về làm rể nhà tui, lấy con gái tui là Lê Thị Quý. Sau khi cưới xong thì ra ở riêng”. Bà Vinh nói.
Được biết cũng trong năm 2003 thì gia đình mua đất vườn của anh Lê Tuyên (người cùng thôn) với giá lúc đó là 500.000 đồng. Chúng tôi đã tìm đến anh Nguyễn Ngọc Bính - Công chức địa chính xã Đức Bồng xác minh thì diện tích vườn của gia đình anh Vân là: 2.286/7m2, thửa số 3, tờ bản đồ số 13 đã được cấp bìa đỏ từ tháng 12/2013. Vườn anh Vân thuộc vườn đồi, hiện trồng sắn, chuối và một số cây khác. Về ruộng sản xuất chị Lê Thị Quý có 527,8m2 (số bìa đỏ BT 02140) do mẹ nhường lại và 2 thửa: thửa số 223 với diện tích là 635,4m2 và thửa số 227 diện tích là 721,1m2. Hai thửa này do thôn cho gia đình anh Vân mượn để sản xuất và mỗi năm thu 100.000 đồng (một trăm ngàn đồng). Cả hai thửa này đều ở khu ruộng Đồng Đợi. Theo bà Vinh, số ruộng ấy mỗi năm chỉ sản xuất được một mùa, ruộng xấu, thu hoạch chỉ đủ ăn nửa năm, còn thiếu nửa năm.
Để mưu sinh, anh Vân đi làm thuê đủ nghề từ trộn vữa, đào hốc cây, cuốc cỏ là vườn nghĩa là ai thuê gì làm nấy. Cũng theo bà Vinh, anh Vân làm công cho ông Khuôn, ông Thư Tứ vv…(người trong xã Đức Bồng) và khoản thu nhập này cũng giải quyết được cái ăn.
Bà Nguyễn Thị Vinh (bà ngoạii cháu Nhung) và mẹ con chị Quý. |
Theo chị Quý, năm 2003 được mẹ giúp đỡ, vợ chồng chị mua được ngôi nhà gỗ hai gian, lợp tranh cọ (hiện làm nhà ngang và bếp nấu, trong khi có người chụp đưa lên mạng lại nói rằng đó là túp nhà chị Dậu thời hiện đại). “ Ngôi nhà gỗ này mua của ông Nguyễn Văn Quý (người cùng xã); còn hai gian nhà xây vào năm 2010, ngoài hỗ trợ từ nguồn 136 thì chủ yếu gia đình tự xoay sở”. Bà Vinh trao đổi.
Tại xã Đức Bồng hiện có 144 hộ nghèo, riêng thôn 6 năm 2013 có 34 hộ nghèo và năm 2014 có 28 hộ nghèo. Theo ông Nguyễn Minh Lý (thôn trưởng thôn 6) thì năm 2013, gia đình anh Vân thuộc hộ nghèo. Nhưng đến cuối năm 2013, Ban rà sát hộ nghèo do ông Lê Xuân Hoài (Bí thư Chi bộ, Trưởng ban mặt trận thôn 6) làm trưởng ban đã điều tra, khảo sát thì hộ anh Vân không nằm trong diện hộ nghèo mà thuộc diện cận nghèo.
Chúng tôi đã đến nhà anh Vân, chia sẻ về hoàn cảnh rất đặc biệt của hai vợ chồng này. Lấy nhau chưa đầy 10 năm mà đã bốn con. Chị Lê Thị Quý ốm đau. Bà Vinh phàn nàn: “Mẹ cháu không được nhanh nhẹn, bặt bạnh, có khi lãng tính; còn cha cháu cũng thật thà, ù mì không hoạt bát lại ốm đau nên từ việc lớn đến việc nhỏ tui phải lo gánh vác giúp nó, vì bỏ thì thương chú ạ”.
Vợ chồng ông Hòa, bà Bé cho biết: Nghèo thì có nhưng chết đói thì không. |
Chúng tôi đã trao đổi với một số người già cả trong thôn về trường hợp gia đình anh Vân. Ông Lê Văn Hòa 75 tuổi, bà Nguyễn Thị Bé (76 tuổi, vợ ông Hòa) đều nói: “Xã tui nhiều người nghèo, tui cũng nghèo, nhưng nhờ con cháu nỗ lực, sáng tạo chăm chỉ nên thoát nghèo được. Riêng vợ chồng nhà Quý thì rất khó khăn vì số phận không may mắn, giả sử cấp tiền hay cho vay tiền thì cũng không biết đầu tư và phát triển sản xuất cho nên đây là trường hợp cá biệt. Vợ chồng tui sống bạc tóc, chỉ thấy năm 45 Đức Bồng chết đói như ngả rạ, còn đã lâu lắm không thấy ai chết đói.”.
Cái chết của cháu Nhung
Trước cái chết của cháu Nhung không ai không thương cảm và xót xa. Xung quanh nguyên nhân dẫn đến tử nạn của cháu có nhiều ý kiến trái ngược nhau.
Bà Nguyễn Thị Vinh (bà ngoại) cho biết anh Vân có xe máy Ware không đi được nữa nên đã bán vào ngày 20/8, trước khi khai giảng để mua xe đạp cho con đi học, vì anh Vân không thể chở cả ba cháu trên một chiếc xe đạp được. Kể từ khi có xe đạp đến khi tai nạn mới hơn một tháng nên cháu Nhung đi xe chưa thành thạo. “Qua cầu Động, có ổ gà, xe lại cao hơn người, nên loạng choạng va đập vào thành cầu té xuống nước gây tử vong”. Anh Nguyễn Minh Lý nói.
Ông Nguyễn Minh Lý (ảnh trái) thôn trưởng thôn 6 và ông Lê Xuân Hoài Bí thư Chi bộ thôn 6 xã Đức Bồng. |
Theo bà ngoại, khi sinh cháu Nhung rất yếu. “Ba tháng rưỡi đã ốm đau, điều trị. Sau phát hiện ra bệnh tim bẩm sinh. Mãi đến năm 2012, mới được giúp phẫu thuật tại BV trung ương Huế. Từ khi mổ tim người cháu xanh xao, ốm yếu, thỉnh thoảng vẫn ngất, nhà nghèo nên bồi bổ cũng thiếu chú ạ”.
Còn chuyện ăn sáng của gia đình cháu Nhung, theo bà Vinh thì: “bữa đực, bữa cái, bữa có, bữa không”. Vì vậy cho nên thông tin cho rằng vì đói dẫn đến cái chết là chưa khách quan.
Cần lắm những tấm lòng
Sau tang thương, mất mát gia đình anh Vân, chị Quý đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể bà con làng xóm, các nhà hảo tâm khắp nơi chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ.
Để vượt qua được nỗi đau này, nhất là có điều kiện để ổn định, tổ chức cuộc sống lâu dài rất cần đến sự giúp đỡ chia sẻ của bà con, làng xóm, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền đất nước.