+Aa-
    Zalo

    Vụ "hô biến" gỗ thành củi để bán ở Hà Tĩnh: "Ném bóng" trách nhiệm, các cơ quan liên quan nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi báo chí phản ánh về việc chính quyền xã, kiểm lâm “hô biến” gỗ thành củi rồi bán, các đơn vị liên quan đến vụ việc này lại “dữ dội” đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

    Sau khi báo chí phản ánh về việc chính quyền xã Kỳ Lạc và Kiểm lâm huyện Kỳ Anh “hô biến” gỗ thành củi rồi bán, các đơn vị liên quan đến vụ việc này lại “dữ dội” đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

    Chúng tôi phản ánh về vấn đề sự vi phạm “trắng trợn” của chính quyền xã Kỳ Lạc và Kiểm lâm huyện Kỳ Anh trong việc “hô biến” gỗ thành củi rồi bán tháo ở bài viết trước: Hà Tĩnh: Chính quyền xã và Kiểm lâm “hô biến” gỗ thành “củi” rồi bán trái phép”

    PV đã gửi đường link bài viết và nội dung phỏng vấn qua tin nhắn cho Chủ tịch huyện Kỳ Anh, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, đến nay chúng tôi chưa nhận được hồi âm. Trong khi đó, các đơn vị liên quan đến vụ việc này thì đang “dữ dội” đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

    Đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, người trong cuộc nói gì?

    Như kỳ trước chúng tôi đã đưa tin, sau khi thu được khối lượng gỗ do “lâm tặc” khai thác, chính quyền xã Kỳ Lạc và Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn đã thực hiện không đúng chức năng, thẩm quyền, bán tháo số gỗ trên cho người khác một cách bất hợp pháp.

    Để rộng đường dư luận, sau sự việc xảy ra, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Thúy Anh, Trưởng phòng Tài chính – kế hoạch huyện Kỳ Anh. Bà cho biết: “Theo như phản ánh thì việc UBND xã Kỳ Lạc bán số gỗ nói trên phải qua các thủ tục theo quy định của pháp luật, như phương án xử lý tang vật đã thu được, định giá, thông qua các tổ chức đấu giá có thẩm quyền hay phải thành lập Hội đồng đấu giá để thanh lý tang vật. Việc UBND xã không thực hiện đầy đủ các bước đó là trái phép, không đúng luật”.

    Ảnh biên bản tịch thu tang vật "củi tươi"

    Ngày 25/1/2019 chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Chiến, là Kiểm lâm viên trực tiếp phụ trách địa bàn xã này, đồng thời kiêm Trạm phó Trạm Kiểm lâm Kỳ Hợp, phụ trách pháp chế của Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh. Ông Chiến thừa nhận có phối hợp với UBND xã bắt giữ được 2 vụ khai thác gỗ trái phép với số lượng là 10 ste, vào ngày 2 và 5/1/2019. Khi bắt giữ có lập Biên bản vi phạm hành chính, Biên bản tạm giữ tang vật, hồ sơ đầy đủ. Sau 7 ngày nếu không ai nhận, thì sau 1 tháng mới ra Quyết định, Biên bản tịch thu tang vật. Khi lập biên bản có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, Kiểm lâm và chủ rừng là Ban Quản lý rừng nam Hà Tĩnh. Sau 37 ngày thì kiểm lâm không còn trách nhiệm với số gỗ đã thu giữ.

    Ngoài ra, theo ông Chiến gỗ là phải có đường kính từ 30 cm trở lên mới xác định là gỗ, còn đây là củi. Mặt khác, khi lập biên bản có đo đạc, ghi vào biên bản cụ thể. Việc xã bán tháo như thế nào không thuộc quyền của kiểm lâm và ông cũng không biết.

    Khi chúng tôi hỏi có hình ảnh chụp khi đo, xác định số gỗ này không thì ông Chiến khẳng định là không có.

    Điều đặc biệt và bất thường là tại hồ sơ do Kiểm lâm huyện Kỳ Anh cung cấp cho chúng tôi về việc này thì các biên bản trong hồ sơ khi thu giữ số gỗ trên đều vào ngày 2 và 5/12/2018 chứ không phải tháng 1/2019.

    Bên cạnh đó trong hồ sơ đều không ghi rõ số “củi” này là gỗ gì, không có danh sách liệt kê cụ thể từng khúc ra sao, không có hình ảnh ghi nhận khi đo đạc…

    Phản hồi của chính quyền xã Kỳ Lạc và kiểm lâm Kỳ Anh

    Như bài trước chúng tôi đã đưa tin, khi làm việc với UBND xã Kỳ Lạc, bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Chủ tịch xã cho biết: “Số gỗ này được tịch thu từ 2 vụ do lâm tặc khai thác vào đầu tháng 1/2019”.

    Vậy, phải chăng có dấu hiệu các cơ quan liên quan đã làm giả, làm khống hồ sơ sau khi phóng viên chúng tôi phát hiện ra vụ việc này? Một vụ việc tưởng chừng như đơn giản, đã được các cơ quan, ban ngành phù phép làm cho phức tạp hơn nhằm che dấu sai phạm của mình?

    Có chuyện xã bán sai quy định, kiểm lâm phủi bỏ trách nhiệm

    Tại điểm đ, khoản 1, Điều 82 Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành có ghi rõ: “1. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được xử lý như sau: đ) Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, b, c và d khoản này thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.

    Việc bán đấu giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.”

    Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/7/2013 cũng quy định chi tiết: “Trong trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thì cơ quan ra quyết định tịch thu thành lập Hội đồng để bán đấu giá. Thành phần, trình tự, thủ tục bán đấu giá của Hội đồng được thực hiện theo quy định của pháp luật bán đấu giá tài sản đối với Hội đồng bán đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt.”

    Như vậy, việc UBND xã Kỳ Lạc sau khi tịch thu số gỗ do lâm tặc khai thác trái phép trên địa bàn rồi tự ý bán khi chưa quá thời gian luật định và không thành lập Hội đồng đấu giá tài sản là hành vi vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.

    Trạm Kiểm lâm, nơi có Kiểm lâm viên vướng vào vụ việc “bùng nhùng”.

    Còn về phía Kiểm lâm huyện Kỳ Anh, nhất là đối với Trạm Kiểm lâm Kỳ Hợp và cá nhân ông Nguyễn Văn Chiến, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn khi để xảy ra việc này, trách nhiệm của họ đến đâu?

    Tại khoản 1, Điều 2 Quyết định số 83/2007/QĐ-BNN ngày 04/10/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về nhiệm vụ công chức Kiểm lâm địa bàn cấp xã có nêu : Tham mưu cho chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp, bao gồm: “xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản theo quy định của pháp luạt”, “xác nhận về nguồn gốc lâm sản theo quy định của pháp luật”; Hay phát hiện những vụ phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản, và động vật rừng trái phép báo cáo kịp thời với Hạt trưởng và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ngăn chặn, xử lý kịp thời; xử lý các vi phạm hành chính theo thẩm quyền…

    Quyết định này cũng nêu rõ trách nhiệm của Hạt trưởng Kiểm lâm là phải “quản lý toàn diện cac hoạt động của kiểm lâm địa bàn quy định tại quyết định này” (điểm a, khoản 2, Điều 3).

    Từ ngày 1/1/2019, Luật Lâm nghiệp 2017 đã có hiệu lực thi hành cũng quy định rõ về trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp của UBND các cấp (Điều 102); chức năng, nhiệm vụ của nghành kiểm lâm (Điều 103 và 104).

    Vậy tại sao một vụ việc nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Kỳ Lạc, huyện Kỳ Anh như chúng tôi đã phản ánh lại chưa được xử lý một cách kịp thời, xử lý nghiêm?

    Chúng tôi tiếp tục phản ánh những “bùng nhùng” của vụ việc này đến bạn đọc.

    Nhóm PV

     

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-ho-bien-go-thanh-cui-de-ban-o-ha-tinh-nem-bong-trach-nhiem-cac-co-quan-lien-quan-noi-gi-a261473.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan