Trong quá trình đi xe khách Phương Trang nhưng gặp tai nạn giao thông, hành khách yêu cầu bồi thường hàng trăm triệu đồng. Đáp lại, phía nhà xe vẫn chỉ “hỗ trợ chứ không bồi thường vì không có lỗi”. Bản án sơ thẩm của TAND quận 7, TP.HCM vừa tuyên đã bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn.
Đang xét xử lại đùn đẩy cho cơ quan khác
TAND quận 7, TP.HCM mới đưa ra xét xử vụ tranh chấp hợp đồng vận chuyển, yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Thu Hà (đã qua đời) và công ty CP xe khách Phương Trang Futabuslines (công ty Phương Trang).
Theo nội dung vụ việc, vào 31/3/2019, bà Lê Thị Thu Hà mua 1 vé và lên xe khách của hãng Phương Trang đi từ TP.Nha Trang vào TP.HCM. Trên đường xe khách của Phương Trang (biển kiểm soát 51B – 16747) va chạm với xe container (biển kiểm soát 51C – 94989) tại địa bàn huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai dẫn tới tai nạn.
Hậu quả của vụ tai nạn làm cho bà Hà bị thương tật hết sức nghiêm trọng, phải cưa một phần chân, tỷ lệ thương tật 60% và nằm điều trị dài ngày tại nhiều bệnh viện. Gia đình bà Hà lâm vào hoàn cảnh khó khăn, số tiền chữa trị rất lớn.
Bà Hà liên hệ yêu cầu công ty Phương Trang bồi thường các khoản viện phí, thuốc men... nhưng không được đáp ứng nên khởi kiện đòi bồi thường.
Phía nguyên đơn tham dự phiên tòa là chồng của bà Lê Thị Thu Hà và người được ủy quyền. |
Tại phiên xét xử trước vào ngày 13/11/2019, HĐXX của TAND quận 7 tuyên bố đã tạm hoãn để làm rõ nhiều tình tiết, đồng thời xem xét có yếu tố lỗi của nguyên đơn hay không.
Cũng trong thời gian xét xử vụ kiện này, TAND quận 7 quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho TAND quận 1 vì bị đơn là công ty Phương Trang có trụ sở tại quận 1, TP.HCM. Đến ngày 23/4, TAND quận 1 ra quyết định chuyển trả hồ sơ trở lại TAND quận 7 giải quyết.
Lý do chuyển hồ sơ là căn cứ trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty Phương Trang có địa chỉ tại quận 7. Vì vậy, theo điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự, TAND quận 7 là nơi có thẩm quyền giải quyết vụ án này.
Kết quả điều tra khẳng định phần sai thuộc về xe container, tài xế điều khiển phương tiện đã không chú ý quan sát, chạy sai phần đường quy định va chạm vào xe khách của công ty Phương Trang, khiến bà Hà bị thương.
Từ 25/9 vừa qua đến phiên xét xử, phía gia đình bà Hà đã nộp đơn khởi kiện bổ sung, nâng mức yêu cầu bồi thường là hơn 918,6 triệu đồng. Số tiền này bao gồm chi phí khám chữa bệnh và thiệt hại sức khỏe của bà Hà, tiền bồi thường thu nhập bị mất, cấp dưỡng cho cha mẹ già và con nhỏ, chi phí mai táng,…
Phía bị đơn không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cho rằng số tiền đưa ra là không hợp lý. Khi xảy ra tai nạn, người gây tai nạn là tài xế xe container đã bồi thường cho bị hại 115 triệu đồng. Đồng thời, phía bị đơn khẳng định công ty Phương Trang không có lỗi nên không đồng ý bồi thường.
Câu hỏi trách nhiệm còn lơ lửng
Trong phần xét hỏi, trả lời câu hỏi từ luật sư đại diện cho nguyên đơn, công ty Phương Trang cho biết, khi xảy ra tai nạn, tài xế và tiếp viên đã đưa những nạn nhân bị thương đi điều trị. Do có nhiều nạn nhân bị thương, phía công ty không nắm rõ ai đã đưa bà Hà đi bệnh viện.
Đại diện công ty Phương Trang trả lời xét hỏi của HĐXX. |
Sau đó, phía công ty đã gọi điện cho bà Hà để hỏi thăm, hỗ trợ chi phí điều trị nhưng “do thời gian lâu quá không nhớ đã hỏi thăm ngày nào”. Đối với việc phía nguyên đơn nhiều lần liên hệ yêu cầu đòi bồi thường, đại diện bị đơn “không biết rõ”.
Người đại diện công ty Phương Trang cũng trình bày: “Về chi phí điều trị của bà Hà, công ty đã hỗ trợ 8,5 triệu đồng và chi phí lắp chân giả hơn 14 triệu đồng. Còn các khoản tiền yêu cầu bồi thường khác, công ty không chấp nhận vì không có trách nhiệm”.
Đến phần tranh luận, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phía nguyên đơn, luật sư Nguyễn Duy Bình, đoàn Luật sư TP.HCM lập luận: “Giữa bà Lê Thị Thu Hà và công ty Phương Trang đã xác lập một Hợp đồng vận chuyển có đầy đủ giá trị pháp lý”.
Trong đó, bà Hà đã mua vé, thanh toán đầy đủ, thực hiện đúng quy định do công ty Phương Trang đưa ra trong quá trình vận chuyển.
Như vậy, hợp đồng vận chuyển đó có đầy đủ các điều kiện về chủ thể, năng lực hành vi, mục đích và nội dung của giao dịch phù hợp với quy định của pháp luật tại Điều 117, Bộ luật Dân sự 2015 nên có giá trị pháp lý ràng buộc các bên phải thực hiện. Nghĩa vụ của bên vận chuyển là phải chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đúng giờ, bằng phương tiện đã thỏa thuận một cách an toàn.
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh trong hợp đồng vận chuyển. Căn cứ theo Điều 528 Bộ luật Dân sự, bên vận chuyển phải bồi thường khi sức khỏe của hành khách bị thiệt hại trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của của hành khách.
Tuy nhiên, Công an huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã cho biết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn hoàn toàn không có lỗi của bà Lê Thị Thu Hà.
Dẫn theo Công văn số 250/ĐTTH ngày 31/7/2020 của Công an huyện Xuân Lộc gửi TAND quận 7, TP.HCM về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 31/3/2019 tại Km 17884400, QL 1A thuộc ấp 4, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
“Vì thế, phía công ty Phương Trang cho rằng mình không có lỗi nên không có trách nhiệm bồi thường là không phù hợp quy định của pháp luật. Việc bên vận chuyển có lỗi hay không, không phải là căn cứ để loại trừ trách nhiệm bồi thường đối với hành khách khi xảy ra thiệt hại. Chỉ cần có thiệt hại xảy ra và hành khách hoàn toàn không có lỗi dẫn đến thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường”, luật sư Bình nêu quan điểm.
Đồng thời, phía nguyên đơn cũng nhận định, việc tính toàn các thiệt hại về vật chất thực tế, tinh thần, các chi phí hợp lý để điều trị, thu nhập thực tế bị mất, giảm sút để đưa ra số tiền hơn 918,6 triệu đồng phù hợp.
Đối đáp lại, phía bị đơn là công ty Phương Trang vẫn nhắc lại quan điểm “không bồi thường vì không có lỗi”.
Cuối cùng, HĐXX tuyên án, bác bỏ toàn bộ yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Đồng thời ghi nhận sự hỗ trợ của công ty Phương Trang đối với gia đình bà Hà trên tinh thần tự nguyện.
Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (40)