Nếu kết luận của cơ quan chuyên môn cho thấy, việc trẻ nhiễm sán là do ăn phải thực phẩm bẩn từ bếp ăn tập thể của nhà trường gây hậu quả nghiêm trọng thì những người đã nhập thực phẩm bẩn, cung cấp, chế biến thực phẩm bẩn có thể bị xử lý hình sự.
Các gia đình đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn. Ảnh: VTC News. |
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Theo các bác sĩ, số trẻ dương tính với ấu trùng sán lợn sẽ còn tiếp tục tăng vì nhiều trẻ vẫn đang chờ kết quả, ngoài ra một số trường hợp nghi ngờ các bác sĩ đã làm lại xét nghiệm để khẳng định chắc chắn.
Theo diễn biến có liên quan, trong sáng nay (18/3) phụ huynh học sinh tại trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã viết đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền các cấp khởi tố vụ án hình sự.
Liên quan vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ nguyên nhân nhiễm sán của các em học sinh. Nếu kết luận của cơ quan chuyên môn cho thấy, việc trẻ nhiễm sán là do ăn phải thực phẩm bẩn từ bếp ăn tập thể của nhà trường gây hậu quả nghiêm trọng thì những người đã nhập thực phẩm bẩn, cung cấp, chế biến thực phẩm bẩn có thể bị xử lý hình sự.
Cùng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Để xử lý nghiêm cá nhân vi phạm, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân nhiễm sán của học sinh. Nếu trẻ nhiễm sán do ăn phải thực phẩm bẩn từ bếp ăn tập thể của nhà trường thì những người đã nhập thực phẩm, đơn vị cung cấp, chế biến thực phẩm bẩn sẽ phải chịu trách nhiệm.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thị Thu, cơ quan chức năng cần thu thập, tổng hợp chứng cứ mà phụ huynh cung cấp, mang đi xét nghiệm các mẫu thực phẩm thu được. Bên cạnh đó, cần làm rõ việc đơn vị cung cấp thịt và nhà trường dù biết rõ số hàng đó không đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, mà vẫn cố ý cung cấp cho trẻ sử dụng.
“Với thịt lợn bị mắc sán, chỉ cần bằng mắt thường cũng có thể nhận biết được. Trong khi đó bộ phận chế biến vẫn cố tình nấu thịt này cho trẻ ăn thì họ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới” – Luật sư Thu nhấn mạnh.
Điều quan trọng là cần phải đưa những trẻ nghi đã sử dụng thịt lợn nhiễm bệnh đi xét nghiệm, giám định xem tỉ lệ tổn hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe của các em ra sao, từ đó xác định hậu quả thiệt hại do hành vi cung cấp thực phẩm bẩn gây ra.
Bên cạnh đó, các đơn vị có thẩm quyền cần đến kiểm tra đàn lợn của nhà cung cấp thực phẩm cho các trường, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở đó có đạt hay không, đồng thời làm rõ các quy định trong hợp đồng và những vấn đề có liên quan, để phát hiện, xử lý sai phạm.
Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp mặc dù trường học ký kết hợp đồng cung cấp thịt lợn với doanh nghiệp nhưng thực tế lại ra ngoài chợ mua thịt lợn gạo để giảm giá thành.
Rất đông phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con xuống Hà Nội xét nghiệm sán lợn. Ảnh: Người Đưa Tin. |
Luật sư Nguyễn Thị Thu cũng cho rằng, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm theo BLHS 2015 sửa đổi.
Theo đó, Ðiều 317 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi:
Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10-dưới 100 triệu đồng…
Nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10-dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5-dưới 20 triệu đồng… vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Làm chết người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 21 người đến 100 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 100-dưới 300 triệu đồng… thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.
Phạm tội làm chết 2 người; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 101 người đến 200 người; Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá từ 300- dưới 500 triệu đồng...thì bị phạt tù từ 7-15 năm.
Phạm tội làm chết 3 người trở lên; Gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của 201 người trở lên...thì bị phạt tù từ 12-20 năm.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Ngoài ra, nếu người dân chứng minh được hậu quả con em mình bị mắc bệnh nhiễm sán lợn là do nguyên nhân từ thực phẩm bẩn thì có thể khởi kiện, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp, chế biến thực phẩm bồi thường thiệt hại.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)