Liên quan đến vụ hai người phụ nữ tè bậy trong thang máy chung cư, theo các luật sư, việc ban quản lý phạt chủ nhà 2 triệu đồng là không đúng pháp luật. Trong đó, chỉ cơ quan Nhà nước mới có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính.
[presscloud]10534[/presscloud]
Clip: Hai phụ nữ che camera để tiểu bậy trong thang máy chung cư
Như đã đưa tin trước đó, sau khi phát hiện video 2 người phụ nữ có hành vi dùng mũ bảo hiểm che camera tại chung cư Gelexia Riverside (đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để đi tiểu bậy trong thang máy, ban quản lý toà nhà đã khẩn trương vào cuộc làm rõ sự việc.
Sau khi kiểm tra, trích xuất camera giám sát của toà nhà, đơn vị quản lý toà nhà phát hiện hai vị khách nữ đến một căn hộ tại tầng 27 của toà nhà này chơi. Ngay sau đó, ban quản lý toà nhà đã có buổi làm việc với chủ hộ có 2 người phụ nữ trên đến chơi.
Tại cuộc làm việc này, chủ căn hộ này cho hay đây là sự việc không mong muốn xảy ra và hành động khách đi vệ sinh trong thang máy chủ hộ không biết.
Thông báo của ban quản lý chung cư Gelexia Riverside về việc tiến hành xử phạt chủ căn hộ có khách tè bậy 2 triệu đồng. Ảnh: PLO |
Sau đó, ban quản lý toà nhà đã xử phạt chủ căn hộ trên số tiền 2 triệu đồng, mức phạt cao nhất theo quy chế quản lý tạm thời của khu chung cư này.
Trước sự việc trên, nhiều bạn đọc cho rằng ban quản lý tòa nhà không đủ thẩm quyền để xử phạt chủ hộ và người xứng đáng bị phạt phải là 2 người phụ nữ mắc lỗi.
Nhìn nhận về vụ việc, trao đổi với báo Tri Thức Trực Tuyến, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng hành vi của người tiểu bậy trong thang máy không chỉ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Hành vi phản cảm này diễn ra trong chung cư thương mại nên đã vi phạm điểm b, khoản 1 Điều 20, Nghị định 155 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt trong lĩnh vực môi trường.
Căn cứ quy định này, người phụ nữ sẽ bị phạt tiền với mức từ một triệu đến ba triệu đồng.
Còn về việc phạt chủ nhà 2 triệu đồng, luật sư Thơm cho rằng không đúng quy định của pháp luật. Ở trường hợp này, chỉ cơ quan Nhà nước mới có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính.
Hình ảnh vũng nước trong thang máy chung cư. Ảnh cắt từ camera |
Cũng chia sẻ về vụ việc trên báo Pháp Luật TP.HCM, luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM phân tích: Cách đây ba năm Nghị định 155/2016 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường) được ban hành thay thế Nghị định 179/2013 với mục đích tạo chế tài đủ mạnh để răn đe đối với những hành vi tiểu bậy ở nơi công cộng, khi đã tăng mức phạt gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định.
Như trong trường hợp này, rõ ràng camera trong thang máy đã ghi lại hình ảnh của hai phụ nữ có hành vi tiểu bậy, đồng thời qua làm việc chủ căn hộ cũng xác nhận có sự việc đó xảy ra. Do đó hoàn toàn có căn cứ để xử phạt và mức phạt 2 triệu mà ban quản lý chung cư căn cứ vào quy chế tạm thời của khu chung cư để ra thông báo xử phạt trong trường hợp này là nằm trong phạm vi cho phép của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính phải được xử lý đúng thẩm quyền, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Điều 104 Luật nhà ở và Điều 41, 42 Thông tư 02/2016 (Ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư) quy định về quyền hạn và trách nhiệm của ban quản lý, Ban quản trị (BQT) nhà chung cư.
Cụ thể, các điều luật viện dẫn trên không quy định BQT chung cư hay đơn vị quản lý vận hành chung cư được quyền xử phạt vi phạm hành chính trong khu chung cư. Thẩm quyền này thuộc về các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.
Vì vậy trong vụ việc này, ban quản lý chung cư Gelexia Riverside không có thẩm quyền xử phạt và thu tiền phạt của chủ căn hộ. Theo Nghị định 155, thẩm quyền xử phạt thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã. Đối tượng bị xử phạt về hành vi này phải là chính người đã tiểu bậy trong thang máy, không phải là chủ nhà.
Khoản 1, Điều 20 Nghị định 155 quy định xử phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (quy định cũ là từ 200.000 đến 300.000 đồng) đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng. |
Nguyễn Phượng (T/h)