Ngày 19/9, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đang điều tra làm rõ vụ án mạng khiến một người tử vong xảy ra trên phố Láng Hạ, quận Đống Đa.
Trước đó, công an đã tạm giữ nghi phạm Lê Văn Thức (29 tuổi, trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn).
Theo báo Đại Đoàn Kết, Thức khai, đối tượng là người có gia đình nhưng vẫn có mối quan hệ ngoài luồng với chị N.T.T. (28 tuổi, quê tại Yên Bái). Sau khoảng thời gian quen nhau, nghi phạm thấy chị N. có qua lại với anh N.T. (27 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm) nên mới sinh ra ghen tuông.
Tối 15/9, Thức bắt xe từ Hà Nội xuống tìm chị N. nhưng không thấy. Vô tình trên đường về, Thức bắt gặp chị N. đang đi cùng với anh N.T. nên đã thuê taxi để bám theo. Trên đường đi đến phố Láng Hạ, Thức yêu cầu taxi vượt lên và tạt đầu xe của chị T.. Ngay sau đó, Thức dùng dao đâm vào ngực anh N.T. khiến anh gục tại chỗ và kéo chị N. lên taxi trở về Thái Nguyên.
Sự viện khiến anh T. tử vong trên đường đến bệnh viện.
Trả lời tờ Tri thức Trực tuyến, tiến sĩ luật Nguyễn Thành Tô cho biết: "Theo điều 123, bộ luật hình sự năm 2015, hành vi và lời khai ban đầu của Lê Văn Thức cho thấy hành vi của người này có thể vi phạm điểm N và điểm Q, cụ thể là có tính chất côn đồ và động cơ đê hèn, mức án nhẹ nhất theo điều này là 12-20 năm, chung thân hoặc tử hình".
“Về tài xế taxi, trước tiên cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò của người lái taxi để xác định người này có phải đồng phạm với đối tượng gây án hay không? Bởi theo camera ghi lại, chiếc xe taxi đã chủ động ép ngã xe máy. Nếu không có sự đồng tình, thỏa thuận trước mà bị đe dọa, thì sau khi đối tượng gây án, tài xế taxi hoàn toàn có thể bỏ chạy bằng cách chạy ra khỏi xe hoặc di chuyển xe đi nơi khác và trình báo công an”, vị tiến sĩ này phân tích.
Theo luật sư Tô, tài xế taxi có phải đồng phạm hay không, trước hết phụ thuộc vào đối tượng gây án nói gì với người lái taxi và thái độ hành động của người này sau khi hung thủ gây án.
Trường hợp người lái taxi biết đối tượng có chủ ý giết người mà vẫn giúp sức, thì tài xế trở thành đồng phạm giết người.
Trường hợp lái xe không biết đối tượng có chủ ý giết người hay cố ý gây thương tích dẫn đến chết người do tình huống diễn ra quá nhanh, tài xế không thể nhìn thấy hành vi đâm nam thanh niên, ép cô gái lên xe, nhưng sau khi chứng kiến đối tượng gây án mà không tố giác, thì lúc này lái xe cũng trở thành đồng phạm giết người bởi hành vi vi phạm tội không tố giác tội phạm.
Luật sư Tô cho biết, theo khoản 2 điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, tội đồng phạm giết người có thể bị phạt tù 7-15 năm.
Đồng quan điểm, luật sư Hà Trọng Đại (Giám đốc công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Trên thực tế, đã có nhiều vụ án người lái taxi giúp chở các đối tượng thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ thuê, hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác. Phần lớn các trường hợp này, người lái taxi đều phải chịu trách nhiệm đồng phạm.
“Ở trường hợp này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các vấn đề: Người lái taxi có biết về âm mưu, mục đích của hung thủ hay không; người lái xe có biết hung thủ mang theo hung khí hay không; hung thủ và người lái taxi có mối quan hệ quen biết không? Trong trường hợp người lái taxi tạt đầu xe máy để hung thủ thực hiện hành vi phạm tội, sau đó tiếp tục chở hung thủ và nữ nạn nhân đi thì có dấu hiệu của việc đồng phạm có tổ chức”, báo VOV dẫn lời Luật sư Hà Trọng Đại.
Hoàng Yên (T/h)