Theo các chuyên gia, khi biên soạn quy chế thi đã không thể lường hết các tình huống gian lận thi cử nên mới để xảy ra tình trạng “con bò chui lọt lỗ kim”.
Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), trong 54 điều của quy chế thi THPT Quốc gia và xét tốt nghiệp 2018 chỉ duy nhất điều 49 quy định chế tài xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi nhưng lại không có bất kỳ mục nào quy định chế tài xử lý thí sinh gian lận điểm thi khâu chấm thi.
Như vậy, quy chế này khi biên soạn không hề lường hết các tình huống gian lận thi cử để xảy ra tình trạng “con bò chui lọt lỗ kim”, và hệ quả của sự “hớ hênh” này là để cho những thí sinh được nâng điểm nhưng điểm thực vẫn đủ điểm trúng tuyển và vẫn theo học bình thường.
Chưa nhận thức đầy đủ?
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT nhận định: “Trước hết, gian lận trong phòng thi, quay cóp đã là sai phạm cần xử lý mà nhờ người khác sửa bài, nâng điểm sau phòng thi lại càng nghiêm trọng hơn, cần xử lý nghiêm hơn. Thí sinh mới liếc bài một chút mà bị đuổi khỏi phòng thi, vậy tại sao nâng điểm “trắng trợn” lại không bị đuổi?
Chuyện nâng sửa điểm rõ ràng là sai, là sự không công bằng với những thí sinh khác, nên phải xử lý ngay, mời ra khỏi trường để có sự công bằng. Ai là người nâng điểm, ai là người có nhu cầu nâng điểm cũng đều phải trị nghiêm. Quan chức càng to, tội càng lớn, người trong ngành cũng cần xử lý càng nghiêm. Bên cạnh đó, công khai minh bạch để giữ uy mà ngăn chặn những sai phạm tương tự”.
Gian lận thi cử vẫn đang "lòng vòng" xử lý. (Ảnh minh họa). |
Nguyên thứ trưởng bộ GD&ĐT khẳng định: “Do hội đồng soạn thảo nhận thức chưa được đầy đủ nên dẫn đến những “lỗ hổng” như vậy”.
Ông phân tích: “Xuất phát trên nguyên tắc công bằng, minh bạch, rõ ràng, đã sai phạm thì phải công khai rõ ràng danh tính. Một số người cho rằng như thế là không nhân văn, nhưng theo tôi, đó là nhân văn. Bởi vì, nhân văn là phải làm sao để người sai biết nhận ra lỗi và sửa đổi chứ không phải cố gắng bao che, để người ta tiếp tục sai hoặc có thêm nhiều trường hợp học theo mà làm sai. Nhân văn phải là bài trừ sai lầm, ngăn ngừa sai lầm.
Những thí sinh đó bị đuổi học nhưng không phải bị trù dập, năm nay vẫn được thi, vì vậy, nếu thí sinh cố gắng hoàn toàn sẽ có cơ hội để được đi học bằng thực lực của mình. Không có vấn đề gì mà phải bao che, che đậy, gây ra mất quá nhiều thời gian!
Những cán bộ mà dùng quan hệ đi nhờ vả nâng điểm phải cách chức, những người mang tiền đi mua điểm thì trở thành hối lộ, cũng phải xử lý nghiêm”.
Liên quan đến vấn đề này, ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: “Do chúng ta mới chuyển sang tổ chức thi tích hợp “2 trong 1” được vài năm, nên bộ GD&ĐT cũng chưa lường trước hết được những vấn đề tiêu cực này.
Đó là do cách quản lý. Khi đưa ra cách tổ chức thi như vậy, chúng ta cũng chưa có những kinh nghiệm, đến bây giờ vẫn chưa lường hết được, công tác tổ chức chưa được đánh giá nghiêm túc, có những sơ hở dẫn đến các lỗ hổng lớn mà tạo ra sai phạm, vì thế không kịp thời ngăn chặn”.
“Điểm quan trọng hơn chính là do yếu tố con người, cho dù có yếu tố máy móc, nhưng với bản thân những người tham gia vào “đường dây” mua bán điểm có những tư lợi cá nhân nên có rất nhiều cách để thay đổi điểm thi”, giảng viên khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh.
“Trám” những “lỗ hổng" kịp thời trước kỳ thi
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định: “Không riêng gì quy chế, mà ngay đến cả luật pháp cũng đều không thể hoàn thiện ngay trong một lúc, phải trải qua quá trình thực tiễn, mới bộc lộ những yếu điểm cần phải sửa chữa. Vì vậy, nhìn thấy điểm nào trong quy chế bất cập cần phải bổ sung trở lại, nhằm mục đích càng ngày càng tiến đến chính xác, minh bạch.
Theo tôi, quy chế năm 2019 đề nghị bộ GD&ĐT phải nghiên cứu kỹ và “trám” hết tất cả các “lỗ hổng” để không còn nguy cơ xảy ra sai phạm, để toàn dân không còn phàn nàn, đảm bảo một sự công bằng, minh bạch”.
“Năm nay, đối chiếu vào quy chế hiện hành, điểm nào chưa có hoặc chưa đủ sức răn đe phải ngay lập tức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Căn cứ vào đó, Bộ phải kiên quyết để giải quyết hết những chuyện đó. Ví dụ, tại sao người ta lại sửa được điểm, không ai biết, nếu có lắp đặt camera và theo dõi thì có thể tìm được người mở khóa vào phòng để tráo bài thi và sửa điểm. Chúng ta phải từng bước, từng bước hoàn thiện và ngăn chặn, phải tổng kết những sơ hở để khắc phục toàn bộ”, ông giải thích.
ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương thì cho rằng, nhiệm vụ trước mắt, phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ coi thi, chấm thi, có những biện pháp quản lý phù hợp, tăng cường giám sát.
“Song song với việc tăng cường quản lý thì cũng phải đưa ra những cơ chế ràng buộc, những quy chế mang tính chất răn đe cụ thể. Bên cạnh đó, phải thay đổi cách thức tổ chức, quản lý, giám sát đơn giản từ việc sử dụng máy móc hoặc phương tiện kỹ thuật tốt hơn”, giảng viên đại học Sư phạm Hà Nội gợi ý.
Theo Người Đưa Tin