+Aa-
    Zalo

    Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình: Phụ huynh “chạy điểm” phải xử lý nghiêm, công khai danh tính

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần công khai danh tính và xử lý nghiêm những phụ huynh đã tham gia “mua điểm” trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình.

    Liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, cơ quan ANĐT bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra. Theo kết luận, bài thi của 56 thí sinh đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa đáp án. Nhiều ý kiến cho rằng, cần công khai danh tính của các phụ huynh có vi phạm, xử lý nghiêm những phụ huynh đã tham gia “mua điểm”.

    “Người mua”, người sửa điểm đều phải chịu trách nhiệm

    Cơ quan ANĐT bộ Công an vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại phường Phương Lâm, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; chuyển hồ sơ đề nghị VKSND Tối cao truy tố 3 bị can gồm: Nguyễn Quang Vinh (SN 1966), nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình; Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1979), nguyên Phó hiệu trưởng trường dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình và Nguyễn Khắc Tuấn (SN 1981), chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình về tội danh nêu trên.

    Cơ quan chức năng làm việc sau sai phạm điểm thi ở sở GD&ĐT Hòa Bình hồi tháng 8/2018.

    Điều dư luận quan tâm là cơ quan đều tra xác định: Kết quả chấm thẩm định của bộ GD&ĐT xác định 140 bài thi trắc nghiệm của 56 thí sinh (có danh sách kèm theo) được can thiệp, nâng điểm ít nhất từ 0,2 điểm đến cao nhất 9,25 điểm/một môn thi. Việc can thiệp nâng điểm bài thi trắc nghiệm, bị can Mạnh Tuấn thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng...

    Trao đổi với PV báo ĐS&PL xung quanh vấn đề trên, Ths. Luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm: “Vụ án gian lận điểm thi tốt nghiệp THPT ở Hòa Bình, nếu có căn cứ cho thấy các đối tượng trên sửa điểm theo yêu cầu của phụ huynh, người thân của học sinh vì đã nhận tiền, lợi ích vật chất từ phía gia đình học sinh thì vụ việc này phải truy tố đối tượng đã nhận tiền để sửa điểm về tội Nhận hối lộ theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới đúng pháp luật”.

    Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, vị Luật sư phân tích: “Theo mô tả về hành vi khách quan của tội Nhận hối lộ thì hành vi phạm tội là hành vi nhận bất cứ lợi ích vật chất nào (trong đó có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác...) của người yêu cầu hoặc nhận qua trung gian để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của người yêu cầu. Vì vậy, ở đây, nếu cơ quan điều tra có căn cứ chứng minh các đối tượng sửa điểm, nâng điểm thi của các học sinh trên là do nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất của gia đình các học sinh rồi sau đó sửa điểm thi theo yêu cầu của gia đình các em thì hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu của tội Nhận hối lộ.

    Theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự thì nếu tài sản hoặc lợi ích vật chất hối lộ trị giá từ 1 tỷ đồng trở lên thì đối tượng nhận hối lộ sẽ phải chịu mức hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Tới đây, Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu kỹ hơn các chứng cứ để xác định cho đúng tội danh để truy tố các đối tượng trên trước pháp luật”.

    Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong vụ án nêu trên, nếu đối tượng nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không nhằm mục đích tư lợi, không hưởng lợi thì chỉ bị xử lý về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, còn đối tượng nào nhận tài sản, lợi ích vật chất từ gia đình thí sinh thì phải xử lý về tội Nhận hối lộ mới công bằng, đúng pháp luật.

    Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những phụ huynh đã tham gia “mua điểm” cho con. Trong một cuộc “mua – bán” phạm pháp thì cả người mua và người bán đều phải bị xử lý. Vì vậy, trong việc trao đổi, thỏa thuận, “mua – bán điểm thi” ở Hòa Bình không chỉ cần xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tham gia sửa điểm mà cũng cần xử lý nghiêm khắc đối với những phụ huynh cố tình vi phạm pháp luật.

    “Với phụ huỵnh hoặc người thân thích trong gia đình học sinh đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất cho các đối tượng nêu trên để sửa điểm, nâng điểm thi thì những người đưa tiền, tài sản sẽ bị xử lý về tội Đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”, luật sư Cường nhấn mạnh.

    Có nên công khai danh tính phụ huynh?

    Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm: “Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì pháp luật bảo vệ quyền bí mật đời tư cá nhân. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định quyền bí mật đời tư cá nhân sẽ bị giới hạn, bị hạn chế bởi lợi ích chung của cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Bởi vậy với những người vi phạm pháp luật gây hại cho cộng đồng, an ninh trật tự, an toàn xã hội thì họ sẽ không có quyền yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền bí mật đời tư cá nhân. Thông tin, hình ảnh của họ có thể được công khai trước cộng đồng để thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa chung”.

    Các bị can trong vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình.

    “Bởi vậy, trong vụ án sửa điểm, nâng điểm nêu trên thì hoàn toàn có cơ sở để công khai danh tính các học sinh được nâng điểm và những người đã đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất để yêu cầu nâng điểm cho con, em người thân của mình. Đó là hành vi đưa hối lộ, hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý hình sự. Nếu cơ quan tố tụng không công khai danh tính những người vi phạm, không xem xét hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong vụ án này thì có thể đó sẽ là thiếu sót”, luật sư Cường nói.

    Về vấn đề trên, Đại biểu Quốc hội Triệu Thế Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Hiện tại, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về hình thức phải công khai danh tính người vi phạm trong thi cử lên phương tiện thông tin đại chúng.

    Cần phải xử lý thật nghiêm minh với những trường hợp liên quan đến vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình và các tỉnh khác, trong đó có cả phụ huynh học sinh.

    Hiện nay, với những công chức, viên chức vi phạm thì đều đã bị xử lý nghiêm, còn các em học sinh thì cũng sẽ bị xem xét lại điểm đầu vào, thậm chí bị buộc thôi học. Đó là những hình thức xử lý nghiêm minh. Và theo tôi, đối với các phụ huynh cố tình vi phạm thì cũng cần phải có biện pháp xử lý thích đáng.

    Còn việc công khai danh tính phụ huynh học sinh thì các cơ quan chức năng, truyền thông cũng cần hết sức cân nhắc, làm sao để vẫn xử lý nghiêm nhưng cũng hài hòa câu chuyện của xã hội, đó là tránh ảnh hưởng đến tâm lý, tương lai của các cháu. Cần xem xét việc công khai danh tính của phụ huynh có phải là hình thức buộc phải làm trong vụ việc này hay không? Chúng ta cần thượng tôn pháp luật nhưng cũng cần xử lý một cách nhân văn, ổn định trong xã hội”.

    Thông điệp nghiêm khắc cho kỳ thi tới

    Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (bộ Giáo dục và Đào tạo) thì bộ Giáo dục và Đào tạo và bộ Công an đã gửi thông điệp một cách nghiêm khắc, mạnh mẽ tới phụ huynh, thí sinh chuẩn bị dự thi THPT Quốc gia 2019 và đặc biệt là cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi tới đây phải có tinh thần trách nhiệm cao.

    Nguyễn Hường - Nguyễn Thúy

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 44

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-gian-lan-diem-thi-o-hoa-binh-phu-huynh-chay-diem-phai-xu-ly-nghiem-cong-khai-danh-tinh-a267252.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan