+Aa-
    Zalo

    Vụ giả cảnh sát hình sự vào nhà dân đọc lệnh bắt người: Thông tin bất ngờ về công an "dỏm" Trần Văn Sơn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hai đối tượng giả danh cảnh sát hình sự khai vào nhà bà T. để đọc lệnh bắt đối với bà này nhằm tống tiền.

    Hai đối tượng giả danh cảnh sát hình sự khai vào nhà bà T. để đọc lệnh bắt đối với bà này nhằm tống tiền. Theo công an, công an "dỏm" Trần Văn Sơn từng có tiền án về tội lừa đảo.

    Trần Văn Sơn (trái) và Trần Hồng Thái tại cơ quan công an - Ảnh: TNO

    Ngày 30/8, trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Công an quận 11, TP.HCM cho biết đang tạm giữ Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ quận Tân Bình) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên) để điều tra hành vi "cưỡng đoạt tài sản".

    Đây là hai đối tượng giả danh cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, bộ Công an đọc lệnh bắt đối với bà L.H.T. (52 tuổi, ngụ phường 7, quận 11) ngày 28/8.

    Tại cơ quan công an, Sơn và Thái thừa nhận giả công an vào nhà bà T. để đọc lệnh bắt đối với bà này nhằm đánh vào tâm lý những người có nhiều tiền để tống tiền.

    Sơn và Thái khai thêm, súng, đồ công an, bảng tên... đặt mua trên mạng, ôtô thì thuê và mua biển số màu xanh 80B giả trên mạng. Tất cả tang vật liên quan vụ việc của Sơn và Thái được cơ quan chức năng thu giữ.

    Cũng theo Công an quận 11, công an "dỏm" Trần Văn Sơn từng có tiền án về tội lừa đảo.

    Trao đổi trên Tri thức trực tuyến, bà T. cho biết, vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự việc. Theo bà T., bà kinh doanh đá hoa cương, sống một mình ở căn nhà trong con hẻm trên đường Nhật Tảo, phường 7, quận 11.

    Khoảng 22h ngày 28/8, bà T. đi làm từ thiện ở Cần Thơ về tới nhà. Tắm rửa xong, người phụ nữ lên giường nằm ngủ thì bất ngờ có người đập cửa.

    Cánh cửa sắt vừa hé ra, bà T. thấy 2 người đàn ông mặc sắc phục công an đứng trước nhà, một người tự xưng tên Thắng đến từ Cục Cảnh sát hình sự (bộ Công an). Khi bà T. chưa kịp hiểu chuyện gì họ đã kéo toang cửa, xông vào và quát tháo, yêu cầu khám xét, bắt bà.

    “Tôi chặn họ lại và yêu cầu để tôi thay bộ đồ khác nhưng họ vẫn nằng nặc đi theo. Tôi hô hoán lên là các anh định hiếp dâm tôi à. Lúc này họ mới chịu để tôi đi thay đồ”, bà T. nhớ lại.

    Thừa cơ hội này, bà T. chạy lên lầu gọi điện thoại cho em trai đến hỗ trợ. Người dân xung quanh thấy sự việc nghi vấn cũng gọi báo Công an phường 7.

    “Họ đọc lệnh bắt tôi về tội Tổ chức đánh bạc và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Họ đọc đúng tên tuổi nhưng tôi không dính líu đến vấn nạn này nên nghĩ là họ nhầm”, bà T. kể và cho biết thêm một lúc sau bà hoảng loạn, tăng huyết áp, gần như ngất xỉu.

    May mắn, lúc đó Công an phường 7 có mặt kịp thời. “Tôi thấy mình may mắn vì công an đến rất nhanh. Kẻ giả danh cảnh sát chuẩn bị chu đáo như thế thì tôi nghĩ bọn họ không rời đi với tay trắng đâu”, bà T. nói.

    Lãnh đạo Công an phường 7 cho hay khi đến hiện trường, 2 đối tượng còn có hành động dọa nạt, bảo là cán bộ của Cục CSHS đi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, khi xem thẻ ngành và hỏi mấy câu nghiệp vụ, công an phường nghi vấn đối tượng giả mạo nên mời về trụ sở làm việc.

    Tại đây, 2 đối tượng mới thừa nhận giả mạo CSHS nhằm mục đích đe doạ bà T., chiếm đoạt tài sản.

    Liên quan đến vụ việc, ngày 30/8, trao đổi trên báo Thanh Niên, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, người phát ngôn bộ Công an, cho biết, bộ Công an đã nhận được báo cáo ban đầu của Công an TP.HCM về vụ việc 2 người đàn ông giả danh cán bộ công an đến nhà dân đòi khám xét và bắt tạm giam.

    “Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, nhưng cũng có thể nói rất hy hữu và điều đáng hoan nghênh là tinh thần cảnh giác của người dân cũng như sự phản ứng của lực lượng công an phường đã rất nhanh chóng, kịp thời ngăn chặn”, ông Xô nói.

    Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, từ vụ việc này cho thấy khi người dân nắm vững quy định pháp luật, thì tội phạm không có cơ hội để gây án: "Họ có nắm luật thì mới biết được là khi công an đọc lệnh bắt người hay khám xét, thì luôn phải có người của công an phường, có chính quyền, có cán bộ Viện KSND, có đại diện tổ dân phố”.

    Đáng chú ý, người phát ngôn bộ Công an cho rằng vụ việc có những nguyên nhân sâu xa là việc mua bán, làm giả trang phục cảnh sát: “Điều tra sơ bộ ban đầu cho thấy trang phục, quân hàm quân hiệu, thậm chí biển số xe màu xanh mà các đối tượng sử dụng, đều là giả và được đặt mua trên mạng”.

    Theo Thiếu tướng Tô Ân Xô, đối với trang phục lực lượng công an, quân đội, thì chỉ cơ quan có thẩm quyền được phép sản xuất, cấp phát. Mọi hành vi sản xuất, mua bán trái phép quân trang, quân dụng đều được xem là mua bán hàng cấm.

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-gia-canh-sat-hinh-su-vao-nha-dan-doc-lenh-bat-nguoi-thong-tin-bat-ngo-ve-cong-an-dom-tran-van-son-a337143.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan