Đối tượng có hành vi làm, buôn bán vé giả mà tem, vé giả có mệnh giá, có tổng giá trị 200 triệu đồng trở lên có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt từ 02 năm đến 07 năm.
Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa phát hiện và bắt giữ 05 đối tượng sản xuất, tiêu thụ vé giả trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022. Được biết tình trạng buôn bán, sản xuất vé giả thường xuyên xảy ra trước mỗi trận đấu có tuyển Việt Nam tham dự.
Số vé giả bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh công an cung cấp |
Theo luật sư Việt Vương (Công ty Luật AMI), sản xuất vé giả được hiểu là hành vi in, vẽ hoặc bằng mọi cách khác để tạo ra tem giá. Buôn bán vé giả được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản để trao đổi lấy vé giả hoặc ngược lại nhằm bán lại thu lợi bất chính.
Sản xuất, buôn bán vé giả là một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật hình sự, cụ thể tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người nào làm, buôn bán các loại tem giả, vé giả thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Tem giả, vé giả không có mệnh giá có số lượng từ 15.000 đến dưới 30.000 đơn vị; Tem giả, vé giả có mệnh giá có tổng trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.”
Theo đó, đối với trường hợp người có hành vi làm, buôn bán vé giả mà tem, vé giả có mệnh giá có tổng giá trị 200 triệu đồng trở lên thì sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 500 triệu đồng hoặc bị phạt từ 02 năm đến 07 năm (điểm d, khoản 2 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như sau: phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Luật sư Việt Vương cũng khuyến cáo, người hâm mộ nên dừng việc mua vé tại chợ đen, chỉ nên mua vé tại các địa điểm bán vé được sự cho phép của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều đó sẽ làm việc sản xuất, mua bán vé giả của các đối tượng bị hạn chế, đồng thời người hâm mộ cũng không bị mất tiền oan khi mua một tấm vé không có giá trị.
Chiều 19/11, Công an quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) cho biết, đơn vị phát hiện một số người bán vé giả xem trận bóng giữa Đội tuyển Việt Nam vs Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 diễn ra vào 20h ngày 19/11. Cụ thể, vào trưa ngày 19/11, đơn vị bắt giữ Nguyễn Khắc Ấn (SN 1968, trú tại số 1 ngõ 97 Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội), Nguyễn Đình Chiến (SN 1991, hộ khẩu thường trú tại Thanh Nghĩa, Đồn Xá, Bình Lục, Hà Nam) là 2 kẻ sản xuất vé giả. Ngoài ra, cơ quan công an cũng bắt giữ 3 người tiêu thụ vé giả là Bùi Văn Kiên (SN 1970, hộ khẩu thường trú tại Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội), Lê Thị Liên (SN 1982, hộ khẩu thường trú tại Đại Thành, Quốc Oai, Hà Nội), Hoàng Thành Trực (SN 1966, trú tại Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội). Cơ quan công an thu giữ 852 vé giả và toàn bộ máy tính, máy in cùng các bản phôi; mỗi cặp vé giả nhóm người này bán với mức giá dao động từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng. |
Hoàng Yên