Trong phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến sai phạm của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, đại diện Công ty CP Đầu tư Lavenue vẫn đề nghị tiếp tục được giao quyền thực hiện dự án. Dù khu "đất vàng” số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) đang trong tình trạng bị phong tỏa để phục vụ điều tra tố tụng.
Trong phiên tòa xét xử nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài và 4 đồng phạm liên quan đến sai phạm chuyển dịch sở hữu khu nhà đất 8-12 Lê Duẩn, gây thất thoát, lãng phí gần 2.000 tỷ đồng, đại diện Công ty CP Đầu tư Lavenue (Công ty Lavenue) cho rằng, công ty không sai và đề nghị được tiếp tục triển khai dự án.
Cụ thể, ông Nguyễn Đức Bằng, người đại diện theo ủy quyền của Công ty Lavenue chỉ rõ, trong những ngày xét xử vừa qua và những lần tranh luận, bào chữa của các luật sư với các bị cáo, các luật sư cũng đưa ra được những cơ sở pháp lý chứng minh rằng vấn đề thiệt hại trong vụ án này là không có. Về phía VKSND cho rằng, Công ty Lavenue không có đủ năng lực để thực hiện dự án này là đánh giá phiến diện. Bởi năng lực tài chính và quản lý của công ty đều có thể chứng minh được.
Đồng thời, trong vụ án này không chứng minh được doanh nghiệp thực hiện hành vi nào liên quan đến việc vụ lợi đối với những bị cáo trong vụ án. Như vậy, không thể khẳng định doanh nghiệp làm sai được.
|
Khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn nay là bãi giữ xe (Ảnh: Tuổi Trẻ) |
Trong cáo trạng, khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích gần 5.000 m2 , gồm 2 khu đất tại số 8 và số 12 Lê Duẩn, được xác lập sở hữu Nhà nước vào năm 1994 và giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà ký hợp đồng cho 4 công ty Kim khí, Hóa chất vật liệu điện, Thiết bị phụ tùng và Vitaco thuê đất, trả tiền thuê hằng năm.
Năm 2008, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi nhà đất số 8-12 Lê Duẩn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn cao cấp. Công ty Quản lý kinh doanh nhà đã có công văn đề nghị 4 công ty trên di dời, bàn giao mặt bằng nhưng 4 công ty này không chịu di dời, nợ tiền thuê nhà và có nhiều văn bản kiến nghị UBND TP, Thành ủy TP, bộ Công Thương đề nghị được tạo điều kiện mua chỉ định hoặc tham gia thực hiện dự án tại số 8-12 Lê Duẩn.
Căn cứ các kiến nghị trên, bộ Công Thương đã có nhiều văn bản đề nghị Ban chỉ đạo 09, UBND TP.HCM xem xét giải quyết để 4 công ty được tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất nhưng không được UBND TP chấp thuận.
Ngày 6/10/2009, ông Nguyễn Thành Tài đã ký công văn chấp thuận chủ trương cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà làm chủ đầu tư dự án và liên doanh, liên kết với 4 công ty đang thuê tại số 8-12 Lê Duẩn.
Trong đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà góp 50% vốn điều lệ, 4 công ty còn lại góp 50%, Công ty Quản lý kinh doanh nhà đứng tên thuê đất với Nhà nước theo cơ chế giá thị trường.
Ngay sau đó, Công ty Quản lý kinh doanh nhà có công văn gửi UBND TP đề xuất cho hình thành pháp nhân mới (sau này là Công ty Lavenue) theo hình thức công ty cổ phần, gồm Công ty Quản lý kinh doanh nhà và 4 công ty đang thuê, đồng thời đề xuất chấp thuận cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà được huy động thêm nguồn vốn khác để triển khai thực hiện dự án thì được UBND TP chấp thuận.
Theo đó, Công ty Lavenue cho thuê đất được thực hiện là đúng theo chủ trương của UBND TP có từ trước. Hơn nữa, Công ty Lavenue được thành lập trên cơ sở hợp pháp. Khi Công ty không sai thì phải được xử lý trách nhiệm và các khoản tiền để công ty tiếp tục thực hiện dự án này.
Nhưng về phía VKSND lại đề nghị tịch thu số tiền hơn 355 tỷ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm (cổ đông chiếm tỷ lệ 30% của Công ty Lavenue). Tuy nhiên, số tiền này đã chuyển thành vốn của Công ty Lavenue từ lúc được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, không còn là vốn của Công ty Hoa Tháng Năm.
Bức xúc về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Bằng thẳng thắn bày tỏ trước tòa: “Vậy vấn đề đặt ra ở đây là xử lý tư cách pháp nhân của Công ty Lavenue như thế nào? Phá sản hay tồn tại, mà tồn tại thì theo cách nào? VKSND đang bỏ ngỏ vấn đề này để tự Công ty Lavenue tồn tại trong lay lắt ngoài xã hội. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về vấn đề này? Mong Hội đồng xét xử xem xét và đề nghị VKSND giải thích về việc Công ty Lavenue sẽ tồn tại như thế nào nếu khoản tiền của Công ty Hoa Tháng Năm bị tịch thu? ”
Từ khi quyết định tham gia, Công ty Lavenue đã đầu tư rất nhiều tiền vào dự án này. Bối cảnh lúc công ty quyết định tham gia dự án, ông Bằng cho biết, thời điểm 2007-2011 là lúc tình hình kinh tế - xã hội cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện rất nhiều công đoạn như thiết kế, thi công, tư vấn.
Hiện tại, doanh nghiệp đang rất mong ngóng quyết định của Hội đồng xét xử như thế nào về việc một doanh nghiệp xin tham gia dự án một cách hợp pháp thì lại bị rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Bùi Thu Hà (t/h)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-dat-vang-8-12-le-duan-lavenue-xin-tiep-tuc-thuc-hien-du-an-a339541.html