+Aa-
    Zalo

    Vụ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu: Đề nghị hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Viện trưởng VKSND Cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại vụ bị cáo 77 tuổi dâm ô trẻ em.

    VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Viện trưởng VKSND Cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại vụ bị cáo 77 tuổi dâm ô trẻ em.

    Theo tin tức trên tờ Tri thức trực tuyến, ngày 16/5, VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Viện trưởng VKSND Cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại vụ ông Nguyễn Khắc Thủy (77 tuổi, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội Dâm ô trẻ em.

    Ở phiên phúc thẩm vào ngày 11/5, ông Nguyễn Khắc Thủy được TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giảm án từ 3 năm tù giam xuống 18 tháng tù treo.

    Liên quan đến vụ việc này, báo Infonet thông tin thêm, trước đó, cùng ngày, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gửi bản án phúc thẩm tới VKSND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu về việc tuyên án Nguyễn Khắc Thủy.

    Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy tại phiên tòa phúc thẩm hôm 11/5 - Ảnh: Tri thức trực tuyến

    Nội dung bản án phúc thẩm mà TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi nêu rõ:

    Về nội dung kháng cáo của Nguyễn Khắc Thủy, HĐXX phúc thẩm xét rằng theo lời khai của bị hại T.H.A, trong khi cháu đang bưng tô cơm ăn tối trong tư thế quỳ trên nệm bên trong cửa sổ thì bị Thủy từ bên ngoài có hành vi sờ soạng ngực và âm hộ từ 10 đến 15 phút.

    Thấy rằng cháu H.A sinh ngày 8/2/2003, đến thời điểm năm 2014 đã 11 tuổi, cháu phát triển bình thường và học hết lớp 5, chuẩn bị vào lớp 6, đặc biệt học rất giỏi. Theo lời khai của mẹ cháu thì D. đã có chu kỳ kinh nguyệt nên đủ nhận thức và ý thức về cơ thể.

    Trong trường hợp bị Thủy sờ soạng, nhất là vùng nhạy cảm, chắc chắn bạn cháu là N.N từ phía ngoài sẽ phát hiện lập tức chứ không thể có tình trạng cháu H.A bị sờ soạng từ 10 đến 15 phút như trình bày của H.A và N.N.

    Ngoài ra, nếu cháu H.A đang bưng tô cơm ăn trong tư thế quỳ trên chiếc giường kê bên cửa sổ thì bị Thủy từ bên ngoài cho tay vào sờ soạng, chắc chắn cháu H.A phải có phản ứng rụt người lại, hoặc ngồi xuống hoặc lùi về phía sau và có thể làm rơi tô cơm. Vì vậy, bị cáo không thể từ bên ngoài cửa sổ có thể thực hiện hành vi dâm ô.

    Từ phân tích trên, HĐXX thấy rằng Công an TP Vũng Tàu đã áp dụng mọi biện pháp điều tra, thực hiện hết trách nhiệm trong vụ việc nhưng các kết quả trước đây và tại phiên tòa phúc thẩm cho thấy không có cơ sở vững chắc để quy kết bị cáo Thủy dâm ô với cháu H.A.

    HĐXX có căn cứ chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo và một phần trình bày của luật sư, xác định không có căn cứ quy kết bị cáo thực hiện hành vi dâm ô với cháu H.A.

    Trong khi đó, về cháu D, HĐXX khẳng định đã đủ mọi căn cứ để khẳng định Thủy đã thực hiện dâm ô với cháu D. Vì vậy, HĐXX đã tuyên bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 18 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Dâm ô trẻ em”.

    Về vấn đề án treo, HĐXX nêu rõ, bị cáo là người già phạm tội, có nhiều đóng góp cho ngành ngân hàng tại địa phương; tại phiên tòa, bị cáo trình bày bản thân có bệnh huyết áp, Parkinson nên sức khỏe yếu.

    Xét thấy bị cáo là người cao tuổi hiện có các bệnh như trên nên có ảnh hưởng đến khả năng nhận thức; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, lần đầu phạm tội.

    Xét bị cáo phạm tội nhưng không có tình tiết tăng nặng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định điểm m, điểm n Điều 46 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999, nên đủ điều kiện cho hưởng án treo theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013.

    Trao đổi trên Vnexpress, luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 373 Bộ luật Tố tụng hình sự: Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

    Chánh án TAND Cấp cao, Viện trưởng VKSND Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn một năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

    Như vậy, theo luật sư Vinh sau khi rút hồ sơ và nghiên cứu mà Chánh án TAND Tối cao hay Chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM xét thấy có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật (cho bị cáo hưởng án treo) thì có quyền ra quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

    Trong vụ án này, thẩm quyền xét xử vụ án theo trình tự giám đốc thẩm thuộc về Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao.

    Luật sư cho hay khi xét xử giám đốc thẩm, sẽ có ba khả năng xảy ra. Thứ nhất, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm có quyền không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án phúc thẩm khi xét thấy bản án đó có căn cứ và đúng pháp luật (khả năng này rất khó xảy ra).

    Thứ hai, hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm (18 tháng tù treo) và giữ nguyên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm (ba tù giam).

    Thứ ba, hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại. Tùy theo tính chất vụ án mà Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm. Khi xét xử lại (dù ở cấp sơ thẩm hay phúc thẩm), hội đồng xét xử đều có quyền tăng hình phạt so với bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã tuyên đối với bị cáo trước đó nếu thấy rằng việc tăng hình phạt là đúng đắn.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-dam-o-tre-em-o-vung-tau-de-nghi-huy-ban-an-phuc-tham-de-xet-xu-lai-a229762.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan