(ĐSPL) - Đám tang của ông Trần Phong Sơn (50 tuổi), người dũng cảm nhảy xuống kênh cứu người đuối nước nhưng bất thành và ông đã tử vong khiến nhiều xót xa.
Buổi sáng thể dục định mệnh
Chiều 3/5, phóng viên báo Đời sống & Pháp luật tìm đến căn nhà 122/27/42 (đường Tôn Đản, P.10, Q.4), nơi tổ chức an táng cho ông Sơn, người bị đuối nước sau nỗ lực cứu người bất thành.
Người vợ mắt đỏ hoe cùng với 3 người con đang quỵ ngã bên thi thể ông Sơn, người cha, người chồng là trụ cột của gia đình bỗng phút chốc trở về cõi vĩnh hằng.
|
Vợ và hai con trai của ông Sơn đau buồn trước cái chết của nạn nhân
|
Cố lau đi những giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Nguyễn Thị Kim Luông (46 tuổi, vợ ông Sơn) nhớ lại. Sáng 3/5, ông Sơn đi bộ tập thể dục như mọi hôm, còn bà ở nhà chuẩn bị đồ đạc dọn hàng cà phê ra bán.
Đến 6h30’, bà không thấy chồng về phụ dọn hàng nên giục con trai út (em Trần Minh Trí, SN 2000 - PV) đi tìm. “Thường ngày cứ đến giờ này là chồng tôi đã về phụ dọn bàn ghế, đồ đạc ra bán. Vậy mà đã quá thời gian nhưng ông ấy vẫn chưa thấy về…”- bà Luông kể.
Trí sau khi chạy một vòng tìm kiếm không thấy liền gọi điện vào số máy của ba nhưng không thấy bắt máy, dù điện thoại vẫn đổ chuông. Quá lo lắng, em gọi điện về báo mẹ và anh, chị biết.
Bà Luông kể tiếp, sau khi nhận điện thoại báo về việc không tìm thấy ba, cũng là lúc gia đình bà hết sức bất an, lo lắng nên tỏa nhau đi tìm khắp nơi.
“Đến gần 8h, bất ngờ tôi nhận được cuộc gọi từ số máy của chồng gọi đến. Lúc đó, linh tính như mách bảo với tôi rằng đã có điều chẳng lành xảy ra với chồng tôi. Tôi vừa cầm điện thoại đã run rẩy. Một giọng nữ gọi đến hỏi có phải số máy của người nhà ông Sơn, ngụ 122/27/42, đường Tôn Đản, phường 10 không? “Tôi đáp vội- Phải”. Lúc đó, họ mới nói chồng tôi sau nỗ lực cứu người bị rơi xuống nước, đã chết đuối tại khu vực chân cầu Mống. Nghe xong, tôi chết điếng… Chồng tôi bơi rất giỏi, bản thân ông là lính cụ Hồ nên gan lắm. Hễ có chuyện gì là ông ra tay giúp đỡ liền, vậy mà ông đã ra đi thật rồi”, bà Luông xót xa nói.
Bà Luông cho biết thêm, thường ngày ông Sơn thường đi bộ qua cầu Ông Lãnh để vào công viên 29-3 tập thế dục. Thế nhưng, không hiểu tại sao hôm nay chồng bà lại đi bộ qua cầu Mống và xảy ra sự thể trên (!).
Tiếc thương người hàng xóm sống có nghĩa có tình
Trưa 3/5, sau khi hoàn tất các thủ tục khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng đã bàn giao thi thể ông Sơn cho người nhà tiến hành án táng. Thi thể nạn nhân được chuyển về nhà trong nỗi thương tiếc của người thân, hàng xóm láng giềng. Bà con hàng xóm đã vây kín con hẻm 122/27 để chia buồn, động viên cùng gia đình bà Luông, trước tai ương ập đến quá lớn với gia đình.
Anh Nguyễn Văn Tâm (hàng xóm ông Sơn) buồn bã nói: "Sau khi nhận được tin báo về vụ đuối nước khiến chú Sơn chết tại khu vực cầu Mống, tôi và rất nhiều bà con không tin. Tuy nhiên, khi kéo đến xem thì mới hay đúng sự thật".
|
Kênh Bến Nghé đoạn qua chân cầu Mống nơi xảy ra vụ đuối nước thương tâm
|
Anh Tâm cho biết, anh được nhiều người kể rằng: khoảng 5h50’ sáng nay, ông Sơn đi bộ tập thể dục ngang qua khu vực chân cầu Mống (phía phường 12, quận 4) thì bất ngờ phát hiện hiện một thanh niên (anh Nguyễn Văn Tuấn, 32 tuổi, ngụ quận 1- PV) đi nhặt phế liệu thì bất ngờ trượt chân xuống kênh Bến Nghé và kêu cứu. Ngay lập tức, chú Sơn móc ví và điện thoại gửi cho một người đứng gần đó rồi lao xuống kênh cứu người.
“Tôi nghe đâu thanh niên đó không biết bơi nên ôm chặt lấy chú Sơn. Ngoài ra nước kênh đang lên, chảy xiết nên khiến chú ấy bị đuối sức khiến cả hai cùng bị nhấn chìm..”, anh Tâm nói.
Sau khi sự việc xảy ra, Phòng cảnh sát cứu hộ cứu nạn (Sở Cảnh sát PCCC TP HCM) huy động 14 người nhái nhanh chóng có mặt để triển khai công tác lặn tìm. Phải mất hơn 2 giờ tích cực lặn tìm, đến hơn 7h30’ lần lượt thi thể các nạn nhân được tìm thấy và chuyển lên bờ.
Theo anh Tâm và nhiều hàng xóm khác chia sẻ, ông Sơn là một người hàng xóm sống rất có tình nghĩa. Hằng ngày ông rất hòa nhã và không bao giờ mất lòng ai. “Chú ấy tốt bụng lắm, thấy ai khó khăn, cần giúp đỡ thì chú ấy làm liền. Chú ấy tham gia rất nhiều hoạt động tự thiện nữa…”- anh Tâm nói.
Anh Nguyễn Phương sống trong hẻm cùng nhà ông Sơn cho biết thêm: “Có những trường hợp gia đình có người qua đời mà lại quá nghèo không có tiền mua quan tài, anh Sơn hỗ trợ tiền để gia đình lo hậu sự. Có lẽ vì anh tốt bụng và hay giúp người nên khi thấy anh Tuấn gặp nạn chới với trên dòng kênh nên anh Sơn đã nhảy xuống cứu mà không hề suy nghĩ gì”.
“Ảnh nghèo nhưng tốt bụng lắm. Khi ba tôi còn sống thường dắt anh Sơn đi chùa làm việc thiện. Sau khi ba tôi mất, anh Sơn lại tiếp tục “nối nghiệp”, đi làm từ thiện. Khi người ta báo là anh Sơn mất tôi không tin nhưng khi nghe anh ấy nhảy xuống kênh cứu người đuối nước thì… tôi mới tin là sự thật”. Ông Trần Tấn Thành, em chú bác ruột với ông Sơn nói trong nấc nghẹn.
Chiều 3/5, tại khu vực chân cầu Mống, vợ, con của ông Sơn cùng nhiều hàng xóm đã đến tổ chức nghi lễ gọi hồn cho nạn nhân trước khi làm thủ tục nhập quan. Có mặt tại khu vực nơi xảy ra đuối nước, nhiều người đã rớt nước mắt trước cái chết vì nghĩa cử cao đẹp của người ông Sơn | Nghi thức gọi hồn nạn nhân Sơn
|
Một số người cho biết thêm: Cùng lúc với ông Sơn phát hiện nam thanh niên bị đuối nước còn có nhiều người đi tập thể dục ngang qua cũng phát hiện. Thế nhưng, không một ai dám lao xuống kênh cứu người, chỉ duy nhất nạn nhân Sơn lao xuống kênh cứu người. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-cuu-nguoi-ca-2-cung-chet-duoi-buoi-sang-ky-la-cua-nan-nhan-a31549.html