(ĐSPL) - Dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng dư âm của sự việc hỗn loạn tại công viên nước Hồ Tây dường như vẫn chưa lắng xuống.
Sự việc vẫn đang được mang ra mổ xẻ lỗi sai thuộc về ai? Người dân hay ban quản lý công viên nước?
Hình ảnh phản cảm tại công viên nước Hồ Tây. |
Về phía người dân, khỏi phải nói cũng đã có rất nhiều lời chê trách, chỉ trích từ những thanh niên trêu ghẹo các bạn nữ đến những người lớn coi thường tính mạng của mình và cả con em mình chỉ để chiếm được một chỗ trong khu vui chơi vào “giờ vàng”.
Nhưng nếu nhìn nhận lại, phải chăng ban quản lý công viên nước cũng có “lỗi” trong việc này? Lỗi do chủ quan vì không lường trước được mọi hậu quả có thể xảy đến. Lỗi có thể đến từ việc ban quản lý áp dụng hình thức quảng cáo không đúng thời điểm khi chọn ngày cuối tuần bởi ngày này chắc chắn sẽ có rất đông lượt người có thể tham gia. Ngày cuối tuần lại đúng vào dịp nắng nóng nên nhu cầu được thư giãn bằng hình thức này của người dân sẽ tăng đột biến. Và phải chăng, lỗi lớn nhất mà họ áp dụng là MIỄN PHÍ?
Chúng ta đều đã từng không khỏi ngại thay khi trong thời gian vừa qua, những vụ chen lấn, giẫm đạp lên nhau để giành được chỗ trong nhiều sự kiện được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh cho một tổ chức, thương hiệu hay thậm chí cả sự kiện văn hóa. Nhưng điều đáng nói ở đây, nếu một chiếc vé đi xem nghệ thuật đương đại hay nhạc dân gian, chưa chắc nhiều người đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua, hay đơn cử là đi ăn uống - vấn đề thiết thực nhất đối với mỗi người. Sẽ có người cảm thấy xót tiền mà không dám “móc hầu bao” của mình.
Xem video: Cảnh nam thanh nữ tú vượt rào tại Công viên nước Hồ Tây
Thế nhưng, chỉ cần hai từ “miễn phí” thôi thì mọi vấn đề, mọi lo toan đều tan biến hết và việc bằng mọi cách xả thân để có được thứ miễn phí đó là việc mà nhiều người đã làm. Vậy câu hỏi ở đây được đặt ra là: Họ thích những thứ miễn phí, không mất tiền mà vẫn có được vì họ không có đủ tiền hay vì tâm lý vốn thích của rẻ của một bộ phận người dân? Họ không muốn trả giá nhưng lại muốn được hưởng thụ, thì cái giá vô hình mà họ phải chịu cũng là điều dễ nhìn thấy. Thử hỏi, chỉ với 100-150 nghìn đồng có là quá đắt so với danh dự, đạo đức, lòng tự trọng và cả tính mạng con người? Những thứ tưởng vô giá ấy lại đang được mang ra đánh đổi một cách trắng trợn và đáng coi thường.
Dẫu biết việc giáo dục là quan trọng nhất để thay đổi được thực trạng này, nhưng phải chăng, các nhà quản lý nên cân nhắc việc miễn phí những sản phẩm, dịch vụ của mình để buộc người dân có cái nhìn công bằng hơn, ý thức hơn khi sử dụng chúng? Cũng cần khéo léo trong việc áp dụng các hình thức kích cầu sao cho hiệu quả, đừng để chỉ vì một “chiêu” hút khách đơn giản mà làm mất đi hình ảnh đẹp của chương trình và trong rất nhiều trường hợp đã là con dao hai lưỡi khi “vô tình” chống lại việc quảng bá hình ảnh cho tổ chức.
Tóm lại, muốn nâng cao ý thức và lòng tự trọng, đừng… miễn phí!!!
T.T