(ĐSPL) - Liên quan đến vụ con giết mẹ vì 1,5 chỉ vàng, bị cáo Vi Văn Phượng đã được TAND Tối cao tuyên hủy án tử để điều tra, xét xử lại.
Theo báo Vietnamnet, mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xét xử giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ và phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội để điều tra lại.
Trước đó, ngày 4/4/2013, TAND Tối cao và TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình Vi Văn Phượng (48 tuổi, ở Bắc Giang) vì tội Giết người. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Vui (90 tuổi), mẹ bị cáo.
Phượng bị quy kết giết chính mẹ đẻ của mình nhưng liên tục kêu oan và cho rằng mình bị đánh đập, bức cung, dùng nhục hình nên phải nhận tội.
Bị cáo Vi Văn Phượng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: báo Bắc Giang |
Như tin báo Gia đình và Xã hội đã đưa trước đó, theo cáo trạng, từ năm 2009, vợ chồng Vi Văn Phượng vay mượn tiền, vàng của nhiều người để đi xuất khẩu lao động, trong đó có vay đôi bông tai 1,5 chỉ vàng của mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Vui.
Khi sang đến xứ người, làm ăn không được Phượng về nước. Cuối năm 2011, Phượng tiếp tục xoay tiền để cho vợ đi xuất khẩu lao động. Sang đến Đài Loan, vợ Phượng làm ăn được và có gửi tiền về, mỗi lần gửi cụ Vui đều biết. Thấy con trai có tiền nhưng không đả động gì đến việc trả nợ cho mình, cụ Vui nhiều lần đòi. Bị mẹ thúc, Phượng phải mua vàng trả mẹ. Tuy Phượng đã trả vàng, nhưng cụ Vui lại nghi ngờ con trai trả vàng giả, vậy là mẹ con mâu thuẫn gay gắt.
Vì tức giận mẹ nên trưa ngày 5/10/2012, khi thấy mẹ đang nằm ngủ, Phượng đã lấy dao chém liên tiếp vào mẹ. Tuổi cao, sức yếu, không chịu nổi những nhát chém oan nghiệt, cụ Vui đã chết tại chỗ. Chỉ 3 ngày sau khi gây tội ác, Phượng đã bị cơ quan công an bắt giữ.
Tháng 2/2013, VKSND tỉnh Bắc Giang truy tố Phượng về tội giết người.
Tháng 4/2013, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm vụ án này. Tại tòa, Phượng phản cung cho rằng do bị các điều tra viên ép cung và dọa bắt hết con cái vào tù nên phải nhận tội.
Cũng theo báo Vietnamnet, sau khi Quốc hội vào cuộc giám sát Ngày 30/8, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự đã xét xử bị cáo Vi Văn Phượng về tội Giết người.
Thông qua vụ án này, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm soát xét xử hình sự, thấy cần rút kinh nghiệm việc áp dụng pháp luật, nhằm đảm bảo cho việc điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật và nghiêm minh.
Ngày 7/11, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại.
VKSND tối cao cho rằng có một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong vụ án này. Theo đó, quá trình điều tra xét xử vụ án còn nhiều thiếu sót, mâu thuẫn trong việc đánh giá chứng cứ kết tội với Vi Văn Phượng.
Vẫn theo VKSND tối cao, động cơ giết mẹ của bị cáo là chưa thuyết phục vì bị cáo được hàng xóm, bạn bè đánh giá là sống tình cảm, có hiếu với mẹ. Mặc dù bà Vui bị mù lòa nhiều năm nhưng Phượng vẫn chăm sóc mẹ già, không ngược đãi. Việc vay vàng bị cáo đã trả cho mẹ trước ngày bà Vui chết. Cần phải làm rõ hơn động cơ, mục đích gây án của bị cáo.
Việc tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm kết án Phượng tử hình về tội Giết người là chưa có căn cứ vững chắc, cần điều tra, làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn, thiếu sót như: yêu cầu cơ quan giám định giải thích rõ về cơ chế chết, cơ chế hình thành vết thương, vết máu bắn trên áo phông, xác định thời gian chết, thời gian máu đông và giám định các vết thương còn bỏ sót, các vật chứng chưa được mô tả hết. Hiện trường vụ án có dấu vết máu hình chữ V dạng nhỏ giọt ở góc tủ trong buồng chưa được làm rõ...
Tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa, bị cáo đều khai bị điều tra viên dọa bắt cháu Vi Văn Hồ (con trai bị cáo) nên ông Phượng đã nhận tội giết mẹ do bị các điều tra viên đánh. Các lời khai do điều tra viên viết sẵn để bị cáo ký tên.
VKSND tối cao cho rằng cần làm rõ có sự bức cung nhục hình không. Ngoài ra cũng cần giám định tâm thần đối với bị cáo.
Điều 93. Tội giết người (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết nhiều người; b) Giết phụ nữ mà biết là có thai; c) Giết trẻ em; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)