Hình ảnh một học sinh phải quỳ trước lớp đang gây xôn xao dư luận về phương pháp quản lý và giáo dục của cô giáo chủ nhiệm. Về sự việc này, có người đổ lỗi cho học sinh hư, người cho rằng cô giáo muốn tốt cho học sinh. Dù xuất phát từ nguyên nhân gì đi nữa, nhưng theo đánh giá của chuyên gia giáo dục, một giáo viên giỏi phải là người không được buông xuôi, thả lỏng nhưng cũng không được xúc phạm nhân cách học trò.
Tạo áp lực cho học sinh
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thường Tín, Hà Nội vừa cho biết cô Lê Thị Quy, giáo chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu bị đình chỉ công tác một tuần để làm rõ việc phạt học sinh quỳ. Trước đó, mạng xã hội lan truyền hình ảnh học sinh ở Thường Tín (Hà Nội) quỳ gối trước bục giảng trong giờ học, kèm đơn kiến nghị của phụ huynh.
Theo đơn phản ánh, cô Lê Thị Quy, giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, trường THCS Tô Hiệu đã phạt 2 học sinh vi phạm quy định của lớp bằng hình thức quỳ gối trên bục giảng. Một học sinh không chấp nhận quỳ nên đã bị đuổi ra khỏi lớp.
Cô Lê Thị Quy phạt học sinh quỳ trong lớp học. |
Phụ huynh có con bị cô giáo bắt quỳ cũng cho biết: "Có lần, con trai tôi nói chuyện trong giờ nên bị cô phạt bắt quỳ nhưng con không chấp nhận hình phạt vì cho rằng đó là sỉ nhục. Một học sinh khác vẫn quỳ. Từ đó, cô chủ nhiệm quyết định đuổi con trai tôi ra khỏi lớp khi đến tiết Toán của mình". Sau đó, nữ phụ huynh này phải lên tận nhà giáo viên chủ nhiệm xin cho con tiếp tục được học tập môn Toán, cô mới đồng ý. Cứ đến giờ Toán, cô yêu cầu học sinh đó lên ngồi bàn giáo viên để học, vô tình tạo áp lực không nhỏ cho học sinh.
Tuy nhiên, cô giáo Lê Thị Quy lại cho rằng: “Tôi bắt học sinh quỳ theo đúng yêu cầu của phụ huynh học sinh, con người ta hư quá nên yêu cầu làm như vậy. Việc học sinh quỳ có biên bản giữa tôi và phụ huynh".
Ngoài ra, cô Quy cho rằng: "Mẹ em nói tôi thiếu trách nhiệm khi không trao đổi tình hình của học sinh thì vị này nên xem lại. Bố mẹ chưa một lần đi họp cho con, chỉ có bà đi họp. Sau đó, tôi mời phụ huynh họp vài lần, bố mẹ cũng không đến". Nữ giáo viên thông tin, cô đã trao đổi khi ông của học sinh đến họp là con rất hư, nghỉ nhiều buổi học.
Đừng nghĩ “mình không xử ngay thì sẽ thua nó”
Chị Nguyễn Hương - một phụ huynh sống tại quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội cho rằng cần phải thông cảm với các thầy cô giáo. Phụ huynh này cho rằng áp lực lên lớp của các thầy cô không phải là nhẹ và thực tế với những học sinh cá biệt, học sinh hư cần phải "thương cho roi cho vọt", phải bị phạt nặng học sinh mới tỉnh ngộ để trưởng thành. "Lứa chúng tôi thầy giáo bắt quỳ gối lên gai mít để thật đau mà nhớ. Cũng nhờ đó mà chúng tôi có ngày hôm nay", chị Hương nói. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này.
Trao đổi với báo ĐS&PL về vụ việc trên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Hình phạt như thế này hoàn toàn không nên sử dụng, thứ nhất là động chạm thân thể, nhân phẩm, danh dự; thứ hai là tước đi quyền và nghĩa vụ học tập của học sinh. Trong giai đoạn hiện nay, những hình phạt như vậy đã không còn được chấp nhận.
Nếu học sinh chống đối không chấp hành bị phạt quỳ, giáo viên có thể trao đổi với phụ huynh, không thể tự ý đuổi học sinh, chắc chắn là chưa báo cáo ban giám hiệu nhà trường. Học sinh càng phạm lỗi thì càng phải được giáo dục tốt nhiều hơn, phải học tập nhiều hơn chứ không phải là đuổi khỏi lớp học”.
GS.TS Phạm Tất Dong |
Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thầy Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng nhiều giáo viên hay nóng vội, nghĩ mình "không xử ngay thì mình thua nó".
"Tôi cho rằng một giáo viên giỏi phải là người không được buông xuôi, thả lỏng nhưng cũng không được xúc phạm nhân cách học trò. Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy. Do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến thì rất dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục. Khi giáo viên có xung đột với học sinh sẽ phải chuyển ngay cho thầy cô chủ nhiệm hoặc lãnh đạo trường giải quyết chứ tuyệt đối không được đối đầu", thầy Tùng Lâm nêu quan điểm.
Để tìm hiểu quy định hiện hành về các hình thức kỷ luật trong giáo dục, PV đã có cuộc trao đổi ngắn với luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội). Luật sư Truyền cho hay, hiện nay việc kỷ luật học sinh được áp dụng theo quy định tại Thông tư số 08/TT, ngày 21/3/1988 của bộ GD&ĐT.
Theo đó, có 5 hình thức kỷ luật đối với học sinh bao gồm: Khiển trách trước lớp, Khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, Cảnh cáo trước toàn trường, Đuổi học một tuần lễ và Đuổi học 1 năm.
Trong 5 hình thức kỷ luật nói trên thì chỉ có hình thức Khiển trách trước lớp là thuộc thẩm quyền của giáo viên, 4 hình thức kỷ luật còn lại do Hội đồng kỷ luật nhà trường xét đề nghị, Hiệu trưởng quyết định và thực hiện.
Như vậy trong các hình thức kỷ luật học sinh không có hình thức nào là bắt quỳ hay đuổi ra khỏi lớp. Việc buộc học sinh không được tiếp tục theo học phải tuân theo trình tự, thủ tục và do người có thẩm quyền thực hiện (Hiệu trưởng) theo quy định của Thông tư trên.
Khi được nêu câu hỏi liệu hành vi này đã đủ xử lý trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155, Bộ luật Hình sự hay chưa, luật sư Truyền cho biết, khó xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác, vì chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Bình luận về ý kiến cho rằng, nền giáo dục thời xưa, thầy đồ vẫn phạt quỳ các môn sinh là bình thường, luật sư Truyền nêu quan điểm: "Mỗi con người từ lúc sinh ra đến lúc già đi đều chịu ảnh hưởng của một môi trường giáo dục nhất định. Môi trường đó không đơn thuần là môi trường giáo dục mà còn là không gian văn hóa được truyền từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Sự phát triển, thay đổi là tất yếu nhưng vẫn phải có một độ trễ nhất định để tạo điều kiện tối đa cho sự phù hợp.
Kỷ luật tạo nên sức mạnh, nhưng theo tôi, nếu chỉ là những vi phạm nhỏ chưa đến mức phải lập tức xử lý theo quy phạm pháp luật thì việc có những hình thức xử lý khác phù hợp và được sự đồng thuận của những đối tượng trong môi trường đó nhiều khi lại có tác dụng hơn bất kỳ quy định pháp luật khô cứng nào đang hiện hành.
Cụ thể, ở đây nếu học sinh có những vi phạm chưa đến mức độ phải xử lý kỷ luật theo 5 hình thức quy định tại Thông tư 08 nói trên thì giáo viên vẫn có thể xử lý bằng một số hình phạt khác nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tái phạm.
Vấn đề ở chỗ những hình phạt đó (ví dụ đứng góc lớp, buộc ra khỏi lớp...) phải được xác lập bởi những cam kết, thỏa thuận riêng (giữa gia đình, nhà trường, ban phụ huynh...) và phải được công nhận trong hệ thống, được áp dụng một cách minh bạch, công khai bảo đảm cho sự tuân thủ thực thi một cách cao nhất", ông Truyền nói.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng cục Trẻ em (bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng khẳng định Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật khác cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, bắt quỳ gối. Đó là những hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác, cần bị xử phạt hình sự, hành chính hoặc các biện pháp kỷ luật của nhà trường. |
Cẩm Mịch- Minh Minh
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 78