+Aa-
    Zalo

    Vụ cô giáo bắt cả lớp tát học sinh 231 cái: Căn bệnh thành tích khiến trẻ phải "chịu trận"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Việc bắt cả lớp tát một học sinh 231 cái quá xuống cấp về mặt đạo đức, việc đầu tiên cần đưa cô giáo này ra khỏi ngành giáo dục”

    “Dù cô giáo này có dạy giỏi đến đâu nhưng việc bắt cả lớp tát một học sinh 231 cái quá xuống cấp về mặt đạo đức, việc đầu tiên cần đưa cô giáo này ra khỏi ngành giáo dục”, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam khẳng định.

    Một hình thức kỷ luật phi giáo dục

    Sự việc một cô giáo tại trường THCS xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bắt cả lớp tát một học sinh 231 cái vì nói tục khiến dư luận vô cùng đau xót và căm phẫn. Em học sinh này đã phải nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, 2 má thâm tím.

    Dư luận càng bức xúc hơn khi biết được đây không phải lần đầu cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy dùng hình thức “phi giáo dục” áp dụng với học sinh của mình.

    Liên quan đến hành động hành hạ học sinh của cô giáo Thủy, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã bức xúc: “Hành động này thật dã man, nó không chỉ ảnh hưởng đến thể xác mà còn để lại hậu quả nặng nề về tinh thần. Đây không thể gọi  là hình thức giáo dục đối với một đứa trẻ, vì thế chúng ta cần nghiêm trị và lên án mạnh mẽ.

    Trong trường học, bằng bất kỳ hình thức giáo dục nào, học sinh có sai phạm đến đâu, việc kỷ luật học sinh là cần nhưng không có loại kỷ luật nào như cô giáo này đã sử dụng. Học sinh bị đánh sau này sẽ rất xấu hổ và thù hận. Còn những em khác bị cô giáo bắt tát vào mặt bạn mình cũng sẽ chịu một áp lực tinh thần lớn”.

    Học sinh bị tát 231 cái phải nhập viện và hoảng loạn tinh thần khiến dư luận bức xúc.

    Bà Ninh Thị Hồng cho biết, cô giáo Thủy dùng hình thức hành hạ học sinh như thế này không phải một lần, mà nhiều lần. Vì vậy, dù giáo viên này có dạy giỏi đến đâu, nhưng tư cách và đạo đức xuống cấp thì không thể để trong ngành giáo dục.

    “Nên việc đầu tiên là cần đưa cô giáo bắt cả lớp tát một học sinh 231 cái ra khỏi ngành giáo dục. Còn việc xử lý hình sự thì cơ quan điều tra cũng cần xem xét”, bà Ninh Thị Hồng thẳng thắn chia sẻ.

    Bệnh thành tích trong trường học khiến trẻ phải chịu hậu quả

    Từ câu chuyện này, bà Ninh Thị Hồng cho rằng, chúng ta đang nhìn thấy bệnh thành tích trong giáo dục, trong trường học này quá rõ ràng. Đối với một Hiệu trưởng, khi nhà báo đến lại có ý kiến: Đừng nói, đừng đăng tin vì sợ ảnh hưởng đến thành tích.

    Chỉ vì thành tích của nhà trường để học sinh của mình chịu hậu quả nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần như vậy sao? Thành tích của một trường, điều đầu tiên thấy được là trường đó sẽ cho ra đời những học trò như thế nào chứ không chỉ khoe cái danh hiệu còn sự thực bên trong lại giáo dục một đứa trẻ không đến nơi đến chốn.

    “Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam rất bức xúc về “căn bệnh” này. Hội chúng tôi đã có văn bản kiến nghị với bộ GD&ĐT nhưng chưa thấy bộ GD&ĐT trả lời. Trong đó chúng tôi kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có bệnh thành tích và bạo lực học đường”, bà Ninh Thị Hồng cho biết.

    Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

    Cũng theo bà Ninh Thị Hồng, có một lỗ hổng lớn mà tất cả cần quan tâm đó chính là việc tuyên truyền phổ biến luật trong ngành giáo dục chưa thực sự tốt. Ở độ tuổi của học sinh lớp 6, hơn 20 em bị cô giáo bắt tát bạn chắc chắn sẽ hiểu đây là hành động sai trái, tại sao các em không có phản ứng lại. Khi ấy, các em cần lên tiếng: Thưa cô, cô làm như vậy là sai, em không đánh bạn, em sẽ báo cáo lên thầy Hiệu trưởng…? Từ đây mới nhận thấy rõ, chúng ta đang thất bại trong giáo dục.

    Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ bạo hành trẻ em thời gian qua, bà Ninh Thị Hồng bày tỏ: “Nguyên nhân chính vẫn là do đạo đức xuống cấp. Các trường đang lựa chọn một số nhà giáo không có tâm, không yêu trẻ. Tôi có cảm giác như họ tìm đến với nghề chỉ là để kiếm sống chứ không thực sự muốn chăm sóc, dạy bảo trẻ. Như chúng ta biết, riêng ngành sư phạm, trình độ là một vấn đề, nhưng mỗi giáo viên cần có lòng say mê nghề, yêu thương trẻ con. Từng lời nói, từng hành động cần phải khác những nghề khác.

    Thứ 2, trong quá trình giảng dạy họ chú ý đến chuyên môn mà quên đi đạo đức, tư chất của một nhà giáo khiến cho “một con sâu” ảnh hưởng đến cả ngành giáo dục.

    Thứ 3, tập thể nhà trường không mạnh, không thường xuyên xem xét thầy cô đã đối xử với học sinh ra sao để có hướng xử lý mà chỉ chạy theo bệnh thành tích nên mới dẫn đến những sự việc đau lòng như trên”.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-co-giao-bat-ca-lop-tat-hoc-sinh-231-cai-can-benh-thanh-tich-khien-tre-phai-chiu-tran-a252574.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan