Công an thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thông tin, tối 9/7, D.H.M livestream bán hàng trên Tiktok, một cô gái tên N.Y.L. (cả 2 cùng ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vào bình luận, khiêu khích và hẹn nhau “quyết chiến”.
Vào rạng sáng ngày 10/7, N.N.L (chồng của M.) chở vợ đến điểm hẹn. Khi gặp nhau, 2 người phụ nữ đã đánh nhau, N.V.P (chưa xác định được nhân thân) dùng điện thoại quay lại clip rồi gửi cho M.
Sau đó, tài khoản Facebook tên "M.H" đã đăng tải nội dung, kèm phía dưới phần bình luận có đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh 2 cô gái trẻ nắm tóc, đánh đá nhau tới tấp trước sự chứng kiến và cổ vũ của nhiều người. Sau một thời gian đăng tải, tài khoản "M.H" đã gỡ bỏ nội dung trên khỏi trang cá nhân.
Ngay sau khi nắm được thông tin vụ việc, cơ quan công an đã mời các bên liên quan đến làm việc.
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, đánh nhau nơi công cộng là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ cố ý gây thương tích mà còn gây rối trật tự công cộng. Việc đăng tải những hình ảnh, clip đánh nhau lên không gian mạng gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội nên cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Luật sư Cường cho biết thêm, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào đánh giá của cơ quan chức năng đối với hậu quả đã gây ra mà sự việc trên sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với người đàn ông chở phụ nữ đến điểm hẹn để đánh nhau thì cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm, giúp sức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, việc đăng tải các clip bạo lực trên không gian mạng cũng là hành vi vi phạm pháp luật.
Vị luật sư phân tích, trường hợp các bên không có đơn thư tố cáo tố giác, không đề nghị cơ quan chức năng xử lý nhưng sự việc được công khai trên không gian mạng thì cơ quan chức năng cũng sẽ vào cuộc xác minh để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi là đánh nhau nơi công cộng rồi đăng tải lên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì những người có liên quan này cũng có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Cường, trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi chưa đến mức được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì những người vi phạm cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 144 của Chính phủ.
Đối với hành vi đăng tải thông tin clip đánh nhau nên không gian mạng thì người thực hiện hành vi này cũng có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Nghị định số 15 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
"Đây là vụ việc phức tạp, có thể ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, bởi vậy cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Đồng thời răn đe phòng ngừa chung để nâng cao trình độ nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân", luật sư Đặng Văn Cường nhận định.