Sáng 18/7, phiên toà xét xử 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần tranh tụng.
Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết sáng cùng ngày, vợ bị cáo Kiên đã nộp thêm 8 tỷ đồng để khắc phục cho hành vi của Kiên. Cùng với đó, đồng thời, gia đình đã có đơn gửi Hội đồng xét xử về căn hộ ở Khu đô thị Royal City (Hà Nội) thế chấp, mong muốn được phát mại để bồi thường.
Theo báo Người lao động, trước khi Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) công bố bản luận tội, trong số hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ, Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng, ngoài ra, gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Như vậy, bị cáo và gia đình bị cáo đã hoàn lại 35 tỷ đồng trong tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng nhận hối lộ.
Tại phiên xét xử, luật sư cho biết bị cáo Kiên có thái độ thành khẩn, nhận thức được hành vi phạm tội. Trong quá trình công tác, Kiên nhận nhiều bằng khen, đặc biệt trong khoảng thời gian chống dịch đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, giấy khen.
Luật sư mong muốn Hội đồng xét xử xem xét thêm tình tiết Kiên tự thú.
Cũng trong phiên xét xử ngày 18/7, bị cáo Phạm Trung Kiên đã được Hội đồng xét xử cho phép thực hiện quyền tự bào chữa.
Báo Giao thông đưa tin, bị cáo Kiên thừa nhận những gì cáo trạng nêu, trong đó có việc mình nhận hối lộ tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng trong vụ chuyến bay giải cứu, là đúng.
"Bị cáo rất ăn năn, hối lỗi về việc đó. Qua đây, bị cáo mong được gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân về những hành động sai trái của mình", Phạm Trung Kiên đứng chắp tay, nói trước tòa án.
Ông Kiên nói rằng mình không gây khó khăn cho các doanh nghiệp đến xin cấp phép thực hiện chuyến bay. Theo bị cáo, khi Bộ Ngoại giao có công văn xin ý kiến Tổ công tác 5 bộ để thực hiện chuyến bay combo, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Ngoại giao) hoặc Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự) sẽ thông báo cho các bộ còn lại. Căn cứ việc này, Kiên cho rằng một mình bị cáo không thể làm chậm tiến độ cấp phép chuyến bay, để từ đó gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan.
Về việc bị cáo Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh) hay Lê Tiến Mạnh (Lữ Hành Việt) khai Kiên yêu cầu doanh nghiệp chi tiền, Kiên cho rằng họ liên hệ với mình sau khi đã được Bộ Y tế chấp thuận tổ chức nhiều chuyến bay. Khi gặp, các đại diện doanh nghiệp chủ động đề nghị chuyển tiền cho Kiên.
"Bị cáo nhận tiền doanh nghiệp là đúng, nhưng không phải do bị cáo ép họ đưa mà sau khi Bộ Y tế đã cấp phép chuyến bay", Kiên nói và nhấn mạnh các doanh nghiệp đưa bao nhiêu thì bị cáo nhận bấy nhiêu.
Đối với khoản tiền 15 tỷ đồng trong hơn 42 tỷ Kiên nhận hối lộ liên quan đến các đoàn khách lẻ, bị cáo cho hay sau khi nhận thức được sai phạm, Kiên đã chủ động khai báo việc nhận 15 tỷ đồng này. Trước khi phiên tòa diễn ra, bị cáo tích cực phối hợp cơ quan điều tra làm rõ thêm nhiều tình tiết khác. Kiên mong HĐXX xem xét đến việc bị cáo đã thành khẩn, chủ động khai báo khi lượng hình.
XEM THÊM: Vụ đại án "chuyến bay giải cứu": Các bị cáo đã khắc phục hậu quả khoảng 120 tỷ đồng
Ngoài ra, kể từ khi nhận thức được những sai phạm trong vụ chuyến bay giải cứu, 3 tháng qua, bị cáo đã tác động gia đình tích cực nộp khắc phục hậu quả cho bị cáo.
"Nguyện vọng của bị cáo là sẽ đóng 100%, khắc phục triệt để số tiền đó", Phạm Trung Kiên rớm nước mắt, giọng run run. Với những lập luận nêu trên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế mong nhận được khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
"Bị cáo mong được HĐXX xem xét, giảm nhẹ để có cơ hội về với gia đình", Kiên khóc, tờ Công Lý đưa tin.
Khi luận tội trước đó, đại diện VKS cho biết, Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ số lần nhiều nhất, với tổng số tiền lớn nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất trong các bị cáo, với 253 lần nhận hối lộ tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng. Kiên là người duy nhất bị VKS đề nghị phạt mức án tử hình.
Hoàng Yên(T/h)