+Aa-
    Zalo

    Vụ chủ đầu tư 8B Lê Trực: Chủ đầu tư bất ngờ lên tiếng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau 2 năm ‘im hơi lặng tiếng’, lần đầu tiên Công ty CP May Lê Trực, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực bất ngờ tổ chức cuộc gặp mặt nhiều báo chí để giải thích hàng loạt....

    Sau 2 năm ‘im hơi lặng tiếng’, lần đầu tiên Công ty CP May Lê Trực, chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực bất ngờ tổ chức cuộc gặp mặt nhiều báo chí để giải thích hàng loạt những thắc mắc, đồn đoán của dự án này.

    Kiện ra tòa đòi bồi thường

    Có lẽ không ngoa khi nói rằng đây là một trong những dự án hiếm hoi được sự quan tâm ưu ái đặc biệt của giới báo chí suốt thời gian dài đằng đẵng. Dự án này cũng khiến báo giới tốn rất nhiều bút mực để bình luận, chia sẻ. 2 năm về trước, từ sự ‘phát hiện’của cơ quan báo chí, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thời điểm đó đương chức đã có công văn yêu cầu ngay lập tức phải tìm hiểu làm rõ thông tin báo báo chí phản ánh về sai phạm của dự án này và yêu cầu xử lí nghiêm.

    Đến nay đã gần 7 năm từ ngày khởi công xây dựng và gần 2 năm từ ngày công trình bắt đầu đi vào hoàn thiện, dự án 8B Lê Trực vẫn bỏ không, án binh bất động không thể thi công do bị cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội ‘phong tỏa’.

    Tòa nhà 8B Lê Trực nhận được nhiều quan tâm của dư luận.

    Hôm qua, 29/8, lần đầu tiên trong cuộc gặp gỡ đông đảo với giơí báo chí, ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP may Lê Trực cho rằng, việc đập bỏ, cắt tầng tòa nhà đã xâm hại tới quyền lợi về tiền bạc và cuộc sống của người mua nhà vì không được nhận nhà. Phía chủ đầu tư cũng bị thiệt hại to lớn về vật chất, tài chính, ảnh hưởng nghiêm trọng tới công ăn việc làm của cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, việc xử lý của các cơ quan chức năng đối với công trình (trong các khâu cấp giấy phép, phá dỡ…) là sai quy định của pháp luật.

    Công ty CP May Lê Trực bất ngờ đưa ra kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại (sau khi được xác định cụ thể) cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính sai quy định gây ra trong thời gian vừa qua.

    Dự án 8B Lê Trực bị yêu câu cắt bỏ tầng vi phạm.

    “Công trình 8B Lê Trực phù hợp với Quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP Hà Nội phê duyệt. Việc cưỡng chế phá dỡ dựa theo Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014. Tuy nhiên giấy phép này cấp không đúng Tiêu chuẩn thiết kế và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Công trình thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng. Thành phố đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp trong việc đổi đất lấy quy hoạch. Việc phá dỡ giật cấp ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình”, ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực khẳng định.

    Cũng theo ông Hùng, với những sai phạm nêu trên cách đây 1 năm Công ty đã khởi kiện chính quyền (UBND quận Ba Đình) ra tòa án song đến nay vẫn chưa có hồi âm.

    Giải thích về việc khẳng định tòa nhà không thuộc đối tượng phải xin giấy phép xây dựng, ông Hùng viện dẫn theo quy định tại Nghị định 12/2010/NĐ-CP ngày 15/2/2010; Quyết dịnh số 04/2011/QĐ-UBND ngày 4/1/2011 của UBND TP Hà Nội; Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 4/9/2012 của Chính phủ quy định về cấp phép xây dựng thì: “… Những công trình trước khi các nghị định và quyết định này có hiệu lực thuộc đối tượng không phải có giấy phép xây dựng.... Tuy nhiên cũng theo quy định nói trên với đối tượng thuộc diện phải có giấy phép, nếu đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng”.

    Công trình 8B Lê Trực đã được khởi công theo Thông báo khởi công ngày 15/2/2010 theo kết cấu và quy mô công trình là 20 tầng (được UBND phường Điện Biên xác nhận), sau khi Sở Xây dựng thẩm định Thiết kế cơ sở và cho phép thi công cọc khoan nhồi; Công trình đã được khởi công xây dựng trước khi Nghị định số 64/2012/NĐ-CƠ ngày 4/9/2012 của Chính phủ có hiệu lực.

    “Như vậy, theo các quy định pháp luật nêu trên, công trình 8B lê Trực luôn thuộc đối tượng không phải có giấy phép xây dựng”, ông Hùng nói.

    Nói về việc UBNDTP Hà Nội phá vỡ cam kết với chủ đầu tư, Công ty CP May Lê Trực cũng thông tin, để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng, Công ty đã cam kết và thực hiện xong việc bàn giao cho thành phố 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài với điều kiện  không yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích đất tương đương khác.

    Cụ thể tại văn bản số 499/QHKT-P3 ngày 16-3-2009, Sở Quy hoạch kiến trúc đã yêu cầu chủ đầu tư phải “Thực hiện cam kết không yêu cầu thành phố đền bù phần diện tích đất giành mở đường của thành phố khi giải phóng mặt bằng để mở đường theo quy hoạch mà công ty đã nêu tại công văn số 99/CV-ĐTXD ngày 8-1-2008”. Tuy nhiên sau đó chủ đầu tư đã bị hồi tố cấp giấp phép chiều cao công trình chỉ còn 53m và 18 tầng, không đúng với tiêu chuẩn thiết kế.

    “Việc này là không đúng với quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, không nhất quán trong chính sách đầu tư và không thực hiện đúng cam kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp”, lãnh đạo Công ty CP May Lê Trực cho biết.

    Theo ý kiến các chuyên gia đầu ngành về kỹ thuật xây dựng, hệ kết cấu chịu lực chính của công trình được thiết kế là kết cấu bê tông cốt thép toàn khối, liên kết chặt chẽ tạo thành một hệ thống khung không gian ổn định đối xứng. Việc phá dỡ công trình sẽ khiến cho kết cấu ảnh hưởng nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn trước tác động của các loại tải trọng (động dất, rung chấn) nếu cục bộ một cấu kiện hay bộ phận nào mất khả năng chịu lực hoặc biến dạng và chuyển vị.

    Ngày 24/10/2016, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã có văn bản gửi Tập đoàn Phương Bắc- đơn vị phá dỡ giai đoạn 1 công trình, trong đó khẳng định rõ: “Việc thiết kế phá dỡ phức tạp nhất là phá dỡ phần giật cấp theo thiết kế, đặc biệt là phần giật cấp 2m46 về phía Bắc là hết sức phức tạp phải xử lý hệ cột dầm mới do bị thay đổi tính toán chịu lực, cần được nghiên cứu tính toán cẩn trọng”.

    Tiếp đó, ngày 27/10/2016, trong báo cáo gửi Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Tập đoàn Phương Bắc khẳng định: “Do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà”.

    “Việc tiếp tục phá dỡ công trình sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho kết cấu và tuổi thọ của công trình, công trình có thể nghiêng hoặc đổ sập bất cứ lúc nào”, ông Hùng thông tin.

    Trách nhiệm thuộc về ai?

    Khi được hỏi tại sao tại thời điểm bị hồi tố, cấp giấy phép không đúng với quy hoạch chi tiết mà phía doanh nghiệp không có phản hồi ngay, LS Lê Văn Thiệp - VP Luật sư toàn cầu, đơn vị tư vấn luật cho Công ty CP May Lê Trực  nói rằng thời điểm đó nhận thức chung về giấy phép này, giữa May Lê Trực và UBND thành phố là dĩ hoà vi quý, người ta yêu cầu thì thực hiện chứ không biết là không đúng quy định.

    Trong khi đó, ông Hùng cũng cho rằng, việc thời điểm đó Công ty im lặng và không phản ứng do muốn giữ quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp, không muốn sự việc lùm xùm ra ngoài. Bản thân doanh nghiệp lúc đó đã xin tự tháo dỡ tuy nhiên sau này sự việc đã đẩy đi quá xa khiến doanh nghiệp hết sức bức xúc và chịu nhiều khổ cực, không còn cách nào khác công ty phải tiến hành thủ tục khởi kiện.

    Tại cuộc gặp mặt báo chí, đại diện cư dân mua nhà ở dự án này cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, chính quyền mà cụ thể là UBND TP Hà Nội khi để sự việc kéo dài và không biết UBNDTP Hà Nội đang ‘nhắm’ vào cư dân hay chủ đầu tư trong sự việc này? Trả lời câu hỏi của cư dân, ông Hùng thừa nhận trách nhiệm trước hết thuộc về phía nhà đầu tư, tiền của cư dân bỏ ra mua nhà đã được Công ty đổ xuống xây nhà, dự án, cư dân muốn đòi lại doanh nghiệp cũng không còn tiền để mà trả.

    “Chúng tôi đã cầu cứu khắp nơi, hết chỗ rồi song vẫn chưa thấy hồi âm, trả lời. Việc một số thông tin trên mạng đồn thổi chủ dự án này là người Trung Quốc là hoàn toàn không chính xác, cố tình xuyên tạc nhằm gây khó dễ và áp lực  lên doanh nghiệp và chính quyền trong quá trình xử lý. Bản thân chủ đầu tư là một người lính từng xông ra trận mạc đánh trận suýt chết ở chiến trường ”, ông Hùng chia sẻ.

    Điều đáng nói, trong cuộc gặp mặt báo chí, phía chủ đầu tư đã đưa ra 1 văn bản của Bộ Xây dựng gửi Chủ tịch UBNDTP Hà Nội trong đó nêu rõ thừa lệnh của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, chánh thanh tra Bộ Xây dựng chuyển đơn của doanh nghiệp gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp này nêu. Trong đó công văn của Bộ Xây dựng nói rằng sau khi xem xét hồ sơ tài liệu và đơn kiến nghị của doanh nghiệp nêu là có cơ sở.

    Mới đây nhất, trả lời tại phiên họp thường vụ chất vấn của Quốc hội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận trách nhiệm về việc chậm xử lý tại dự án 8B Lê Trực.

    “Hiện nay công trình này đã hạ được toàn bộ tầng 19, nhưng để hạ các tầng tiếp theo lại là vấn đề. Theo dự án được phê duyệt lên đến tầng 14, 15, 16, 17 và 18 đều giật cấp vào 3,36m. Để đảm bảo cho công trình này, TP.Hà Nội cùng với chủ đầu tư trình Bộ Xây dựng phương án kỹ thuật để xử lý tiếp. Bộ Xây dựng đang mời các nhà khoa học để xem phương án kỹ thuật trên, sau khi xử lý tòa nhà 8B Lê Trực có đảm bảo về mặt kỹ thuật để người dân ở hay không, hay phải trình phương án khác, việc chậm là do nguyên nhân này. TP.Hà Nội sẽ cùng với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật liên quan đến việc cắt tòa nhà, sau đó sẽ công khai xử lý với dư luận” - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết tại phiên trả lời chất vấn.

    Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP.Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với giấy phép xây dựng đã được cấp. Cụ thể từ tầng 8 (phía đường Trần Phú kéo dài) phải có khoảng lùi khối cao tầng 3,36m so với khối đế, song chủ đầu tư đã xây thẳng đến mái. Phần giật cấp đầu hồi phía Đông theo thiết kế từ độ cao 44m công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

    Công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m nếu làm đúng giấy phép. Thực tế chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000m2, tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000m2, tăng trên 6.000m2 so với giấy phép.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-chu-dau-tu-8b-le-truc-chu-dau-tu-bat-ngo-len-tieng-a200449.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.