+Aa-
    Zalo

    Vụ chồng câm điếc giết vợ, dựng hiện trường giả: Luật sư nói gì?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Theo luật sư, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được ông Tới là người thực hiện hành vi vi phạm, giết chết vợ mình;

    Theo luật sư, nếu cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh được ông Tới là người thực hiện hành vi vi phạm, giết chết vợ mình; khi thực hiện hành vi không mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi thì hành vi đã thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

    Ngày 22/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Văn Tới (câm điếc bẩm sinh; 31 tuổi, ngụ phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) về tội giết người.

    Nạn nhân là Phạm Thị T. (31 tuổi, vợ Phạm Văn Tới) là người câm điếc.

    Bằng các chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh Quảng Nam đã xác định Tới sát hại vợ mình khi chị này đang gội đầu ở nhà vệ sinh, sau đó tạo hiện trường giả.

    Liên quan đến những vấn đề pháp lý của vụ việc, luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN nhận định, theo thông tin từ Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam thì hiện nay cơ quan đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phạm Văn Tới (31 tuổi, trú phường An Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) để điều tra hành vi giết người.

    Liên quan đến tội danh Giết người, luật sư Việt dẫn quy định tại Điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015 thì nếu người phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; trường hợp vi phạm quy định tại khoản 2 thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

    Luật sư Mai Quốc Việt – Công ty Luật FDVN

    Theo luật sư Việt, do hiện nay, sự việc chỉ đang ở giai đoạn điều tra để xử lý, hơn nữa nghi phạm của vụ án lại bị câm điếc bẩm sinh. Vậy nên, cơ quan điều tra sẽ gặp khó khăn trong quá trình điều tra, chứng minh tội phạm, xác định ông Tới có phải là người thực hiện hành vi hay không, động cơ, mục đích phạm tội (nếu có),…

    Bởi khoảng cách về ngôn ngữ, giao tiếp nên cơ quan điều tra sẽ cần một người thông dịch, hiểu ngôn ngữ để có thể giải thích, trao đổi thông tin từ ông Tới khi làm việc.

    Liên quan đến vụ án này, dư luận cũng thắc mắc rằng, nghi phạm trong vụ án là người khiếm thính, đã thực hiện hành vi phạm tối (nếu có) thì có được xem xét miễn trách nhiệm hình sự hay không?

    Luật sư Việt dẫn quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự: “1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

    a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

    b) Khi có quyết định đại xá.

    2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

    a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

    b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

    c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

    3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”

    Như vậy, chỉ thuộc các trường hợp đã trích dẫn nêu trên thì người phạm tội có thể được xem xét để miễn trách nhiệm hình sự.

    "Đối với sự việc của ông Tới, nếu cơ quan tiến hành tố tụng xác định, chứng minh được ông Tới là người thực hiện hành vi vi phạm, giết chết vợ mình; khi thực hiện hành vi không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì hành vi đã thực hiện là hành vi nguy hiểm cho xã hội", luật sư Việt nói.

    Luật sư phân tích thêm, trên thực tế, ông Tới là người khiếm thính, có thể nhận thức pháp luật hạn chế, nhưng hành vi đã thực hiện trên cơ sở pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự thì ông Tới phải chịu trách nhiệm do hành vi mà mình đã thực hiện.

    "Khi tiến hành xét xử, Tòa án có thể xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho ông Tới như người thực hiện hành vi là người câm điếc, có nhược điểm về thể chất; nhận thức xã hội kém và không am hiểu pháp luật", luật sư Việt nhấn mạnh.

    Cũng liên quan đến vụ việc này, luật sư Việt Vương (Công ty luật AMI) nhận định, đối với hành vi giết vợ của nghi phạm Phạm Văn Tới thì nếu không thuộc các trường hợp tại khoản 1 của Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS) như giết người vì động cơ đe hèn, Giết phụ nữ mà biết là có thai,… thì ông Tới có thể sẽ phải chịu mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm theo quy định tại khoản 2 của Điều luật này.

    Để được giảm mức phạt tù, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì người phạm tội phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

    Cụ thể, về việc quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng được quy định tại khoản 1 Điều 54 BLHS quy định cụ thể như sau: “Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.”

    Theo đó, tại khoản 1 Điều 51 BLHS thì người khiếm thính phạm tội không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

    Đồng thời, tại Điều 21 BLHS có quy định về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự như sau: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”

    Một người bị câm điếc thì không được xem là mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

    "Theo đó, trường hợp người phạm tội có dấu hiệu mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì Toà án sẽ tiến hành giám định tâm thần, sức khoẻ của nghi phạm.

    Trường hợp người bị câm, điếc mắc bệnh mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì sẽ không chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình", luật sư Vương nhấn mạnh.

    Tiểu Phương

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-chong-cam-diec-giet-vo-dung-hien-truong-gia-luat-su-noi-gi-a324923.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan