+Aa-
    Zalo

    Vụ chôn trộm hàng trăm bộ hài cốt dưới góc nhìn pháp luật

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi phát hiện những ngôi mộ được chôn tập thể, đơn vị hay cá nhân phát hiện phải báo cáo chính quyền địa phương để xin ý kiến xử lý.

    (ĐSPL) - “Khi phát hiện những ngôi mộ được chôn tập thể, đơn vị hay cá nhân phát hiện phải báo cáo chính quyền địa phương để xin ý kiến xử lý, di rời trong quá trình thực hiện dự án.” – Luật sư Nguyễn Phó Dũng -  Giám đốc Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự cho biết.

    Theo tin tức chúng tôi đã đăng tải trước đó, người dân huyện Thái Thụy (Thái Bình) đã đã phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng về vụ việc có 116 tiểu sành bên trong có chứa hài cốt người chôn chung một hố sâu khoảng 5m2tại khu vực nghĩa trang Văn Hàn Tây, xã Thái Hưng.Theo thông tin cơ quan công an tiến hành điều tra cung cấp, số hài cốt trên được khai quật trong quá trình 1 doanh nghiệp triển khai, xây dựng dự án chung cư. Nhiều người dân ở cạnh dự án cho biết, khu đất này trước là nghĩa trang Hợp Thiện nên có rất nhiều mồ mả.

    Để hiểu rõ hơn về các vấn đề pháp lý có liên quan, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Phó Dũng- Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự về trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan chức năng trong vụ việc nêu trên.

    Chào luật sư, hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề phát hiện và di chuyển hài cốt, mồ mả khỏi khu có dự án xây dựng? Ông có đánh giá như nào về việc tự ý di chuyển mồ mả, hài cốt này?

    Luật sư Nguyễn Phó Dũng: Thực chất, hiện nay pháp luật mới chỉ quy định các vấn đề về chi phí di chuyển và bồi thường khi di chuyển mồ mả trong trường hợp nhà nước thu hồi đất đai mà chưa có những quy định cụ thể về vấn đề phát hiện và di chuyển mồ mả hài cốt khỏi nơi có dự án xây dựng. Rõ ràng, trong vụ việc trên, dự án chung cư này không có giấy phép xây dựng nhưng vẫn cố ý thực hiện công trình đã là trái với luật pháp. Không những thế, khi chủ đầu tư thi công công trình phát hiện ra nhiều hài cốt, mồ mả dưới khu đất này, lẽ ra ngay lập tức phải thông báo với cơ quan chức năng và chờ ý kiến chỉ đạo thì chủ đầu tư lại “vội vã” vận chuyển sang nơi khác chôn. Có thể do chủ đầu tư đang xây dựng trái phép, sợ công trình đang xây sẽ bị đình chỉ và tốn kém chi phí nên tự ý di chuyển mồ mả về nơi khác chôn.

    Luật sư Nguyễn Phó Dũng- Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH OPIC và Cộng sự.

    Thưa luật sư, nếu không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục di chuyển, chôn cất những mồ mả không danh tính này, cơ quan chức năng sẽ phải làm gì?

    Xét về góc độ quản lý văn hóa, xã hội, trong vụ việc trên, ngay khi chủ đầu tư phát hiện vụ việc cần báo cáo ngay cơ quan chức năng có thẩm quyền để xin ý kiến xử lý, di rời trong quá trình thực hiện dự án. Sau khi nhận được những thông tin trên, chính quyền sở tại sẽ xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan chuyên trách và các cơ quan có liên quan sẽ hướng dẫn chủ đầu tư xử lý ra sao về số mộ đã phát hiện. Theo tôi, vụ việc có tính chất nghiêm trọng, số lượng hài cốt, tiểu sành phát hiện ra rất lớn. Hơn nữa, đây không phải trường hợp di chuyển mồ mả từ nghĩa trang này sang nghĩa trang khác mà đây là hàng trăm ngôi mộ vô danh, rất có thể đây là một phần của dấu tích của lịch sử (phát hiện mồ chôn tập thể). Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu kỹ càng mới có thể đưa ra phương án giải quyết tốt nhất.

    Luật sư đánh giá như thế nào về việc doanh nghiệp tự ý thuê người đem mộ chôn trộm nơi khác. Hành vi này có thể truy cứu trách nhiệm hình sự không?

    Như đã nói ngay từ đầu, nếu chủ đầu tư phát hiện và xin ý kiến chỉ đạo xử lý của cơ quan chức năng thì không xảy ra sự việc đáng tiếc. Trong trường hợp chủ đầu tư tự ý thuê người đem mộ chôn ở chỗ khác rất khó truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi, theo Điều 245 – Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi, bổ sung 2009:

    1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mổ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

    2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

    Chủ thể của tội này theo quy định của pháp luật là cá nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp gây ra sự việc lại là một tổ chức kinh tế. Vì vậy, không có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự. Sau khi vụ việc được điều tra làm rõ, cơ quan chức năng có thể sẽ xử phạt hành chính với doanh nghiệp này vì hành vi để xảy ra mất an ninh, trật tự.

    Mong luật sư cho ý kiến cuối cùng về vụ việc này?

    Đây là một vụ việc phức tạp vì nó mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Với mỗi người Việt Nam, hài cốt, mồ mả luôn có những giá trị tinh thần quan trọng. Việc giữ gìn mồ mả, hài cốt là phong tục, tập quán lâu đời. Việc buộc di chuyển số hài cốt lại chỗ cũ của cơ quan chức năng rất chính xác. Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ buộc phải khắc phục hậu quả do mình gây ra, có thể họ phải bồi thường và di chuyển phần hài cốt tới nơi đã định.

    Xin cảm ơn những chia sẻ của luật sư về vụ việc!

    Hoài Phương (Thực hiện) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-chon-trom-hang-tram-bo-hai-cot-duoi-goc-nhin-phap-luat-a169395.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan