(ĐSPL) - Mặc dù kế hoạch sửa chữa nâng cấp chợ đã có từ 3 năm trước, số tiền 219 tỷ đồng đóng góp của tiểu thương đã được ban Quản lý (BQL) chợ An Đông thu đủ từ năm 2013. Đến khi các tiểu thương gây “áp lực” mới có các cuộc họp công bố về những chi phí bất thường hơn 9 tỷ đồng nâng cấp các hạng mục “nhỏ xíu”!
Tiểu thương gánh đủ chi phí
Tại buổi gặp ngày 27/10 với đại diện UBND quận 5 (TP.HCM), BQL chợ An Đông, các tiểu thương kiến nghị chính quyền quận 5 nên xem xét lại vấn đề thuế và các phí cho bà con. Bởi vì trong thời điểm kinh doanh ế ẩm, chợ cũ kỹ, xuống cấp, không thu hút được khách hàng thì BQL chợ, quận 5 nên có những chính sách ưu đãi cho tiểu thương. Chị H., một tiểu thương kinh doanh tại chợ chia sẻ, tình hình kinh doanh hiện rất khó khăn. BQL chợ cũng như quận 5 nên xem xét lại tiền thuế cho bà con. Mỗi tháng chị phải “gánh” tiền thuế, hoa chi, phí vệ sinh, các quỹ... Từ đầu năm đến nay, gia đình phải vay mượn ở ngoài để bù đắp vào những khoản đó.
Mặt sau của chợ An Đông giờ xuống cấp, nhếch nhác, trong khi tiền sửa chữa, nâng cấp thì bị “đắp chiếu” suốt 3 năm nay. |
Chị K.S. thì bức xúc: “Mang tiếng tiểu thương chợ An Đông chứ kinh doanh còn thua người bán hủ tíu dạo”, bởi mỗi ngày mở cửa là phải gánh đủ chi phí. Cuối ngày tính lại doanh thu không đủ phần chi, có những hôm ế khách tôi chỉ biết chui vô “thùng” ngủ một giấc”.
Thực tế, tình hình kinh doanh tại chợ An Đông ngày một giảm sút. Song, thuế và phí tại chợ An Đông vẫn luôn cao hơn so với các chợ khác, chưa kể đến các khoản chi phí không tên. Chị K.O. cho biết, bình quân mỗi sạp có mức đóng thuế từ 12 - 25 triệu đồng/tháng tùy từng vị trí, mặt hàng và các yếu tố khác, nếu không biết tính toán rất dễ bị thua lỗ, đóng sạp.
Ông Trần Minh Sang, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính quận 5 (TP.HCM) cho rằng, quận và BQL chợ vẫn thu thuế và các phí theo quy định của bộ Tài chính. Hiện tại vẫn chưa có chính sách nào được áp dụng miễn giảm cho từng tiểu thương. Trước mắt, quận ghi nhận những bức xúc, ý kiến đóng góp của các tiểu thương và trình lãnh đạo xem xét.
“Bánh vẽ” 25 năm trước…
Theo các tiểu thương, năm 1991, lúc kinh tế còn khó khăn, với chủ trương Nhà nước và Nhân dân cùng làm, chính quyền quận 5 đã vận động bà con tiểu thương cùng đóng góp tài chính để hoàn thành công trình chợ An Đông như hiện nay. Việc này thông qua hợp đồng thuê sạp thời hạn 20 năm với công ty Việt Hoa (chủ đầu tư chợ An Đông khi ấy) kèm theo cam kết “sau khi kết thúc hợp đồng 20 năm, Nhà nước chỉ thu hoa chi, không thu tiền thuê sạp”.
Nhưng sau quãng thời gian này, UBND quận 5, trung tâm Thương mại Dịch vụ An Đông (BQL chợ An Đông) đã “phớt lờ” chuyện cũ, thực hiện việc tái ký hợp đồng 10 năm với các tiểu thương và không thực hiện tiêu chí “chỉ thu hoa chi, không thu tiền thuê sạp”. Điều này đã làm cho các tiểu thương bức xúc. Họ cũng yêu cầu chính quyền quận 5, BQL chợ thực hiện đúng theo tiêu chí như đã đề cập khi vận động tiểu thương đóng tiền xây dựng chợ.
Tiểu thương B.T. bức xúc, gia đình chị có 3 đời kinh doanh từ thời chợ cũ và đã đóng góp nhiều vào ngân sách. Chị mong muốn các cấp chính quyền khẩn trương cải tạo, nâng cấp chợ và thực hiện những cam kết mà người đứng đầu Quận ủy khi ấy đã nói trước mặt bà con.
Còn chị H.V. – một tiểu thương khác bày tỏ, chị và mọi người vẫn nhớ người đứng đầu quận 5 khi ấy đã nói với cộng đồng tiểu thương: “Bà con cố gắng đóng tiền vào chợ đi, sau khi hết hợp đồng 20 năm thì Nhà nước chỉ thu tiền hoa chi thôi, không thu tiền thuê sạp nữa... Nhưng nay, BQL chợ vẫn thu các chi phí của gia đình tôi 110 triệu đồng trong 5 năm. Nếu đây là tiền thuê quầy - sạp thì BQL chợ không thực hiện theo lời nói đó, còn nếu đây là tiền hoa chi thì có quá cao so với quy định của bộ Tài chính?”.
Về vấn đề này, trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Trần Minh Sang cho biết, ông chưa nghe thông tin trên, thời điểm đó ông đang làm chuyên viên nên không rõ...
Cần làm rõ con số 219 tỷ đồng
Ông Trần Minh Sang cho biết, số tiền 219 tỷ đồng thu theo hợp đồng 5 năm của các tiểu thương chợ An Đông như sau: Tất cả được nộp vào ngân sách Nhà nước, không một cá nhân hoặc tổ chức riêng lẻ nào được quyền giữ nó. Một phần của số tiền này sẽ được dùng cho chi phí quản lý chợ. Chi phí này được dùng cho 6 gói cải tạo sửa chữa và nâng cấp chợ, dĩ nhiên sẽ được trích từ nguồn ngân sách này, nhưng phải qua quy trình dự toán sau đó mới được duyệt để chi cho việc nâng cấp và sửa chữa chợ.
Con số hơn 9 tỷ đồng để sửa chữa 2 hạng mục nhỏ xíu như một cách đối phó, "chữa cháy" mà ông Nguyễn Chí Trung – Phó BQL chợ An Đông công bố trước bà con tiểu thương ngày 28/10, đã gây bức xúc với các tiểu thương. Bởi họ cho rằng, tại sao lúc bà con tiểu thương muốn xem bảng kê khai, quyết toán thì ông Trung không cho xem, đồng thời kế hoạch sửa chữa hệ thống nhà vệ sinh, cấp thoát nước, điện động lực... các tiểu thương hoàn toàn không được biết? Nay lại công bố công khai chi tiết về các hạng mục và sắp tới “sẽ” dán lên cho bà con được biết?
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Trưởng văn phòng LS. Quốc Tuấn phân tích, Thông tư số 67 ngày 11/7/2003 của bộ Tài chính có hướng dẫn cơ chế tài chính áp dụng cho BQL chợ khai thác và quản lý chợ. Theo đó, đối với chợ do Nhà nước đầu tư xây dựng, các khoản phí nêu trên là khoản thu của ngân sách Nhà nước, BQL chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ được trích lại một phần từ số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thu phí. Phần tiền phí trích để lại này do cấp có thẩm quyền quyết định. Các đơn vị này có trách nhiệm kê khai, nộp và quyết toán số tiền phí còn lại vào ngân sách Nhà nước.
Theo luật sư Tuấn, đối với chợ không do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do Nhà nước đầu tư nhưng đã chuyển giao cho BQL chợ hoặc doanh nghiệp để kinh doanh khai thác và quản lý chợ thì các loại phí quy định tại Thông tư này là phí không thuộc ngân sách Nhà nước. BQL chợ, doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với số phí thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền phí sau khi đã nộp thuế.
Nhiều uẩn khúc cần làm rõ Cũng theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, việc quản lý, hoạt động kinh doanh của BQL chợ phải theo luật doanh nghiệp. Còn thu phí thì theo luật phí và lệ phí. Nếu việc sử dụng các khoản thu chi mà không rõ, không đúng pháp luật về đấu thầu các hạng mục sửa chữa, cần phải công khai, minh bạch. Luật sư Tuấn đặt câu hỏi, quy chế quản lý chợ An Đông có quy định về việc khi nào sử dụng chi trên hạng mức phải tổ chức đấu thầu công khai hay không? Nếu chi sai thì xem như lạm quyền, hoặc cố ý làm trái quy định của Nhà nước thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự quy định tại Điều 165, luật Hình sự năm 1999. Điều luật này quy định về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |
ĐỨC MỸ
[mecloud]VVxt8a71xX[/mecloud]