Phiên xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình diễn ra vào ngày mai (8/1) sẽ có 7 bị cáo phải hầu tòa. Trong đó, bác sỹ Hoàng Công Lương rất có thể sẽ không thể tham dự do đang phải điều trị tại bệnh viện.
7 bị cáo phải hầu tòa trong vụ chạy thận làm 9 người chết
Theo kế hoạch, ngày mai (08/01/2019), TAND thành phố Hòa Bình sẽ xét xử công khai vụ án “Vô ý làm chết người” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến sự cố y khoa ngày 29/05/2017 làm 9 người chết khi chạy thận tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Các bị cáo trong vụ chạy thận làm 9 người chết ở Hòa Bình. Ảnh: Zing.vn |
Phiên tòa sơ thẩm sắp diễn ra sẽ có 7 bị cáo bị truy tố với 2 nhóm tội danh gồm:
Hoàng Công Lương (SN 1986), bác sỹ khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Bùi Mạnh Quốc (SN 1986), Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, cùng bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2 Điều 98 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 với mức án từ 3-10 năm tù.
Các bị cáo: Trần Văn Sơn (SN 1990), viên chức phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trần Văn Thắng (SN 1965), nguyên Trưởng phòng Vật tư – Thiết bị y tế, BVĐK tỉnh Hòa Bình; Hoàng Đình Khiếu (SN 1962) Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Trương Quý Dương (SN 1962), nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình; Đỗ Anh Tuấn (SN 1976), Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn, cùng bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999 với mức án từ 3-12 năm tù.
Trước đó, VKSND tỉnh Hòa Bình đã tống đạt bản cáo trạng truy tố 7 bị can trong vụ án này. Trong đó, Hoàng Công Lương bị truy tố về tội vô ý làm chết người. Cùng bị truy tố về tội danh này còn có bị can Bùi Mạnh Quốc, giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh.
Năm bị can còn lại cùng bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Như vậy, điểm mới của cáo trạng lần này so với cáo trạng trước đó là sự thay đổi tội danh của Hoàng Công Lương từ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng sang vô ý làm chết người. Bên cạnh đó, có tới bốn bị can đã bị khởi tố, truy tố thêm so với phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất vào tháng 5/2018 vừa qua.
Bác sỹ Hoàng Công Lương đang điều trị tại BVĐK tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Infonet |
Đoàn luật sư hùng hậu tham gia bào chữa
Theo đó, phiên tòa sẽ có tới 31 luật sư tham gia với tư cách luật sư bào chữa cho bị cáo, hoặc luật sư đại diện cho bị hại, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cụ thể:
Bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh, là luật sư Giang Văn Quyết, đoàn Luật sư TP Hà Nội
10 luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, bác sỹ khoa Hồi sức tích cực – BVĐK tỉnh Hòa Bình, gồm các luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Đà, Ngô Thị Thu Hằng, Trần Hồng Phúc, Vũ Công Dũng, Hoàng Ngọc Biên, Trần Thu Nam, Nguyễn Thị Thúy, Nguyễn Văn Quynh và Nguyễn Thị Thúy Kiều.
2 luật sư Nguyễn Tiến Thủy và Phạm Quang Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) sẽ bào chữa cho bị cáo Trần Văn Sơn, nhân viên Phòng Vật tư Thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình.
3 luật sư Lê Hồng Xiêm, Nguyễn Như Hiếu và Vũ Duy Tôn (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư Thiết bị y tế - BVĐK tỉnh Hòa Bình.
Các luật sư Nguyễn Văn Chiến, Trần Hồng Phúc và Ngô Thị Thu Hằng bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương tại phiên tòa sơ thẩm lần 1. Ảnh: Infonet |
Bào chữa cho bị cáo Hoàng Đình Khiếu, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, là luật sư Bùi Việt Anh, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
3 luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, gồm: Huỳnh Phương Nam, Lê Hồng Hiển và Đỗ Quốc Quyền, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
2 luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương và Phạm Quang Hưng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc CTCP Dược phẩm Thiên Sơn.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 09 gia đình có nạn nhân tử vong vẫn là luật sư Nguyễn Hoàng Trung, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn dân sự BVĐK tỉnh Hòa Bình là Nguyễn Hữu Toại và Nguyễn Danh Huế, cùng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn dân sự CTCP Dược phẩm Thiên Sơn là Nguyễn Thị Đinh Hương (cùng bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn) và Ngô Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Tội danh của bác sỹ Hoàng Công Lương được thay đổi từ "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" sang "Vô ý làm chết người". Ảnh: Zing.vn |
Trước khi phiên tòa diễn ra, HĐXX đã triệu tập một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, là các nhân viên y tế thuộc BVĐK tỉnh Hòa Bình. Đó là bác sỹ Hoàng Công Tình (Phụ trách khoa Hồi sức tích cực), bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh (khoa Hồi sức tích cực), bác sỹ Phạm Thị Huyền (khoa Hồi sức tích cực), Đinh Tiến Công (Trưởng khoa Điều dưỡng), các điều dưỡng viên: Nguyễn Thu Hằng, Đỗ Thị Điệp và Nguyễn Thị Hậu.
Dự kiến khi ra phiên tòa xét xử, bác sỹ Hoàng Công Tình (phụ trách khoa Hồi sức tích cực) có 4 luật sư bảo vệ gồm: Chu Văn Danh, Trần Hồng Phúc, Ngô Thị Thu Hằng và Nguyễn Văn Đà. Ngoài luật sư Danh, 3 luật sư còn lại là những người cùng tham gia bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.
Bác sỹ Nguyễn Mạnh Linh và Phạm Thị Huyền cùng có 2 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp gồm: luật sư Trần Quốc Toản và luật sư Phạm Xuân Cường, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng có 1 luật sư là Trần Dũng Tiến, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hòa Bình.
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hậu cũng có 1 luật sư là Trần Thị Hiền, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Nguyễn Phượng (T/h)