Quay lại công việc cứu hộ giao thông ở các điểm đen giao thông, anh Phạm Quốc Việt (36 tuổi) cùng các thành viên Đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí (FAS Angel) vẫn luôn nghe ngóng tình hình liên quan đến vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết, xảy ra tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội tối muộn ngày 12/9.
Anh cùng đồng đội vẫn chưa thể nào quên ký ức đêm ngày hôm đó, lòng anh nặng trĩu. “Mong đây là thảm họa duy nhất tôi phải trải qua trong cuộc đời mình”, anh Việt nói.
Nhớ lại tối hôm đó, anh cho hay, lúc 23h30 ngày 12/9 anh nhận được tin báo hỗ trợ người gặp nạn, khi đó anh đang ứng trực tai nạn tại số 2 Trần Vỹ.
Anh lập tức điều một xe cứu thương từ Ngã Tư Sở đến hiện trường, đồng thời thông báo cho đồng đội đến hiện trường. “Đến nơi cháy, tôi phát hiện đám cháy nghiêm trọng hơn mình nghĩ, nhiều người mắc kẹt bên trong. Tôi gọi tất cả anh em ở mọi điểm trực quây tụ hết về điểm cháy, cùng đó gọi thêm xe cứu thương đến. Tôi cùng anh em phối hợp với cơ quan chức năng tìm kiếm các nạn nhân sống sót”, anh Việt nhớ lại.
15 xe chữa cháy cùng hơn 100 cán bộ chiến sĩ thuộc các lực lượng phòng cháy chữa cháy đến hiện trường.
00h10 cả đội tiếp cận hiện trường trong tình trạng ngọn lửa bốc cháy dữ dội. Quan sát ngọn lửa dội tại tầng 2 trong tòa nhà 9 tầng và một tum, rộng khoảng 200m2. Lửa bén nhanh và rộng lên các tầng còn lại.
Không khí ngột ngạt trong hiện trường
Do chung cư nằm sâu trong ngách, lối vào chỉ khoảng 3m, xe cứu hỏa buộc phải dừng cách đó 400m. Các chiến sĩ dẫn gần chục ống lớn từ téc nước vào hoặc nối trực tiếp vào máy bơm hút nước từ ao nhỏ cạnh chung cư để dập lửa. Sau đó các chiến sĩ cố gắng phá chuồng cọp tầng 2, trèo lên mái nhà đối diện xịt vòi rồng ngăn đám cháy lây lan.
Cùng với công tác cứu hộ, bên trong tòa nhà những tiếng kêu cứu thất thanh của những cư dân tại đây văng vẳng bên tai, một số người liều mạng nhảy xuống mái nhà dân bên cạnh, còn có người leo thang dây từ tầng 3 xuống đất. Những thứ âm thanh hỗn độn, ám ảnh ấy đến giờ anh Việt vẫn chưa thể nào quên.
Khoảng 2 tiếng sau, đám cháy cơ bản được khống chế, anh cùng hơn 30 đồng đội phối hợp với lực lượng chức năng chia ra các hướng của tòa nhà tìm kiếm, cứu người bị nạn.
“Nhiệm vụ chính của nhóm là tìm kiếm người bị mắc kẹt; vận chuyển người bị thương, thi thể đến bệnh viện, nhà xác; điều tiết khu vực bên ngoài và phục vụ hậu cần, vận động người dân hỗ trợ chăn, ga và nước uống.
Chúng tôi không dám lơ là một phút giây nào hết, tranh thủ từng thời gian vàng đến từng căn phòng tại chung cư để tìm kiếm người sống sót bị mắc kẹt.
Anh em mặc áo dạ quang màu cam, bịt khẩu trang, khăn ướt, nhanh chóng lao vào bên trong tòa nhà, mang theo bình oxy, bóng thở, các dụng cụ chuyên dụng nhằm hỗ trợ các nạn nhân bị ngạt thở”, anh Việt kể lại.
Không khí nóng bức và độc hại, khói bụi bám lên quần áo từng thành viên. Việc cứu hộ đôi lúc bị gián đoạn vì sức nóng khủng khiếp. Bằng kinh nghiệm được học và trải qua thực tế, họ nhanh chóng ổn định tinh thần, tiếp tục hỗ trợ nạn nhân. Nhưng người đội trưởng không quên nhắc nhở từng thanh viên nếu thấy dấu hiệu tức ngực, khó thở, phải nhanh chóng dừng việc cứu hộ, đến ngay bệnh viện kiểm tra sức khỏe.
Sau nhiều giờ đồng hồ, đội phát hiện và cứu được 12 người còn sống gồm trẻ em và thanh niên ra ngoài đưa đi cấp cứu an toàn.
Sau khi xác định 100% người còn sống đã rời khỏi chung cư, FAS Angel bàn bạc với chỉ huy các đội PCCC, tiến hành sàng lọc từng tầng, đánh dấu vị trí người tử nạn để tránh bỏ sót. Đội hỗ trợ vận chuyển thi thể nạn nhân xấu số đến các nhà tang lễ.
"Cảnh tượng ám ảnh và đáng sợ nhất trong đời tôi, là ánh đèn flash kêu cứu từ điện thoại di động của các nạn nhân vẫn bật, nhưng họ đã không còn sống", anh Việt kể.
Cứ thế hơn 8 tiếng đồng hồ, FAS Angel hoàn tất công tác cứu hộ tại chung cư mini. Vẫn sợ người bên trong tòa nhà còn sót, anh Việt lên tầng thượng kiểm tra tổng quát lần cuối, khi thấy không còn ai anh mới thông báo đồng đội kết thúc nhiệm vụ.
Về nhà tắm rửa, chợp mắt nhưng anh chẳng thể nào ngủ được vì những tin nhắn từ các tài khoản hội nhóm, nhờ tìm kiếm người nhà cho các nạn nhân tử vong.
Anh lại bật dậy tham gia vào công cuộc nhận dạng người thân trong đám cháy. Vì trong quá trình cứu hộ, anh nhớ được một số đặc điểm nhận dạng thi thể. Anh động viên, hướng dẫn người nhà bình tĩnh đến các nhà tang lễ bệnh viện chờ tin tức.
Tối 13/9 anh vẫn tiếp tục công việc cứu hộ tai nạn ở các điểm đen, nhiều người khuyên anh nghỉ ngơi nhưng anh biết sức khỏe bản thân vẫn cho phép làm việc.
Sáng 14/9 anh kết thúc công việc về nhà, nghỉ ngơi, tự trấn an bản thân, sau những ký ức đau buồn để cố gắng hoàn thành nốt công việc.
Mộc Trà - Khánh Ngân