Cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ loạt sai phạm dẫn đến vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng khiến 56 người thiệt mạng xảy ra tại một căn chung cư mini trên địa bàn phương Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội hồi tháng 9/2023. Nguồn tin trên báo VietNamnet cho biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định kỷ luật đối với ông Đặng Hồng Thái - nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân và ông Lê Trung Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.
Theo quyết định xử phạt, UBND TP Hà Nội quyết định xóa tư cách Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đối với ông Đặng Hồng Thái. Cơ quan chức năng xác định, trong quá trình đảm nhiệm chức vụ, ông Thái đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thi hành kỷ luật về Đảng vào ngày 29/3.
Ông Thái là người đã cấp giấy phép xây dựng cho công trình (tòa chung cư mini bị cháy) ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình). Dù được cấp phép 6 tầng, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng công trình này lên đến 9 tầng, với diện tích khoảng trên 200m2.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Lê Trung Cường, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân. Ông Cường bị xác định có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã thi hành kỷ luật về Đảng.
Trước đó, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Nghiêm Quang Minh - chủ đầu tư công trình, về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Công an thành phố cũng khởi tố 6 cựu cán bộ, lãnh đạo thuộc tổ trật tự xây dựng, UBND phường Khương Đình và Công an phường Khương Đình để điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại buổi thảo luận tổ Kỳ họp HĐND TP Hà Nội đang diễn ra (ngày 1/7-4/7), khi đề cập đến vụ cháy chung cư mini 9 tầng xây sai phép ở quận Thanh Xuân, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, nguyên nhân sâu xa gây hậu quả 56 người chết là do vấn đề liên quan đến xây dựng. Cũng trong vụ cháy trên, lực lượng chức năng xác định vi phạm nằm toàn bộ trong giai đoạn 2015-2016, trong đó cán bộ phường trong giai đoạn này đã để công trình tồn tại.
Sau quá trình điều tra, xem xét tổng thể vụ việc "như một con rết nhiều chân", ông Tùng cho biết từ điều tra quy trình cấp phép xây dựng ngôi nhà, cơ quan chức năng còn xem xét cả trách nhiệm trong quá trình giám sát, nghiệm thu, áp dụng quy định về PCCC trong thời kỳ sau này.
Ngoài trách nhiệm của chính quyền, ông Tùng nhấn mạnh ý thức của người dân trong đảm bảo an toàn về PCCC. Theo ông, nhiều người cam kết khắc phục các vi phạm nhưng không thực hiện, trong khi lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế, phá dỡ công trình, vì còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người mua nhà.
Do đó, ông nêu quan điểm Nhà nước có thể hỗ trợ người dân trong công tác khắc phục các vi phạm, bằng việc mạnh dạn hỗ trợ về nhân công, tiền bạc, nhân lực hướng dẫn.
Cũng trong phần thảo luận, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng đặc biệt nhấn mạnh tính cần thiết của việc ban hành cơ chế đặc thù để dần triệt tiêu những công trình có vi phạm. "Và phải đưa ra lộ trình, chứ nếu cứ nói ra mà không có kinh phí, không có hỗ trợ, không sát sao thì không thể giải quyết được", báo Dân trí dẫn lời Phó giám đốc Công an Hà Nội.