Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện gia đình các nạn nhân tỏ ra bức xúc khi đến thời điểm hiện tại, các bị cáo vẫn chưa có tác động, thăm hỏi, bồi thường theo bản án đã tuyên.
Hôm nay (12/9), TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa vụ án Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy xảy ra tại quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông (Hà Nội) làm 13 người chết ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Các bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, chủ quán karaoke 68 Trần Thái Tông), Lê Thị Thì (56 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội), Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, quê quán xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
Các bị cáo trong vụ cháy 13 người chết ở Trần Thái Tông tại phiên tòa phúc thẩm ngày 12/9. Người Đưa Tin |
Đúng 8h30, HĐXX bước ra làm việc. Thành phần của HĐXX phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, điều hành phiên tòa là ông Nguyễn Hồng Vân – Thẩm phán cao cấp của TAND cấp cao tại Hà Nội.
Quá trình HĐXX tiến hành kiểm tra căn cước, cả bị cáo Linh và Tuấn đều đứng lên xin lỗi các gia đình nạn nhân. Tuấn sụt sùi khóc, HĐXX phải nhắc nhở bị cáo bình tĩnh để khai rõ họ tên và nhân thân của bị cáo.
Đại diện của 13 người bị hại trong vụ án thương tâm này cũng đã có mặt theo giấy triệu tập của tòa trong tâm trạng buồn rầu, rệu rã. Họ đều có chung một yêu cầu là mong muốn tòa phúc thẩm làm rõ tội trạng của các bị cáo, xử đúng người, đúng tội cũng như không bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Tại phiên tòa, luật sư đại diện cho bị hại cho rằng, trong vụ án này, anh Nguyễn Hữu Long là người tham gia góp vốn để thành lập quán karaoke số 68 Trần Thái Tông. Nguyễn Hữu Long cũng là người có nhiều hoạt động chỉ đạo, tham gia sửa chữa quán karaoke 68.
Trịnh Hoàng Tiến (chồng bị cáo Linh) là 1 trong 3 đồng chủ sở hữu quán karaoke số 68. Trịnh Hoàng Tiến cũng có nhiều hoạt động tham gia chỉ đạo sửa chữa quán karaoke 68 như yêu cầu Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc công ty thiết kế lắp đặt mặt bằng mà không lắp cửa thoát hiểm ở tầng 2 và đổi ống nước từ D32 xuống D25.
Trong khi đó, Phạm Văn Thiên là người nhận thi công cách âm từ Nguyễn Hữu Long, Thiên khai nhận đã dùng vật liệu chống cháy để ốp tường và trần, chỉ đạo thợ hàn thổi vào bản lề để cắt cánh cửa. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hỏa hoạn nhưng không thấy cơ quan chức năng xử lý.
Để tránh bỏ lọt tội phạm trong vụ án này, luật sư đã đề nghị HĐXX triệu tập các bị cáo đến phiên tòa phúc thẩm.
Hai vị luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại. Ảnh: Người Đưa Tin |
Trước đề nghị này của luật sư, VKS có ý kiến cho rằng, những người này đã có lời khai trong hồ sơ vụ án. Việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng gì đến phiên tòa nên đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
HĐXX cũng cho rằng, đối với những người liên quan là anh Trịnh Hoàng Tiến, Nguyễn Hữu Long và Phạm Văn Thiên chưa bị cơ quan chức năng khởi tố, truy tố, xét xử. Hành vi của họ nếu phạm tội thì cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi, vai trò của các bị cáo trong vụ án này. Trong quá trình xét xử nếu thấy những người này có liên quan thì HĐXX sẽ triệu tập đến phiên tòa.
Về phía gia đình các nạn nhân trong vụ án này bức xúc cho biết, đến tận giờ phút này các bị cáo vẫn không hề có tác động, thăm hỏi, bồi thường gì cho gia đình nạn nhân. Đại diện của các bị hại đều đề nghị tòa xử phạt nặng bị cáo cũng như không bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Trước đó, hồi cuối tháng 3/2018, đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Cùng tội danh trên, Hoàng Văn Tuấn và bị cáo Nguyễn Thị Thì đều bị áp dụng mức án 7 năm tù. Tuyên phạt tù đối với các bị cáo, TAND Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần quản lý chặt lẽ loại hình kinh doanh karaoke hơn nữa.
Ngoài tuyên phạt các hình phạt tù đối với Nguyễn Diệu Linh và đồng phạm, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội cũng tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại về tính mạng cho thân nhân của 13 người xấu số trong vụ án. Đối với thiệt hại tài sản của các hộ gia đình liền kề quán Karaoke 68, Tòa án Hà Nội quyết định tách thành một vụ án dân sự riêng.
Đưa ra các phán quyết nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội nhận định, căn cứ vào hồ sơ vụ án, các lời khai và tranh luận tại phiên tòa có đủ cơ sở xác định bị cáo Nguyễn Diệu Linh là chủ quán Karaoke 68 phố Trần Thái Tông. Bị cáo nhận thức rõ quán karaoke thuộc danh mục công trình nguy hiểm về cháy nổ.
Dù vậy, trong quá trình thi công lắp đặt, sửa chữa thiết bị quán karaoke, bị cáo đã không kiểm tra, giám sát. Thậm chí ngày 1/11/2016, trong khi quán chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo nhân viên cho 2 tốp khách vào các phòng 502 và 506 hát karaoke. Bị cáo là người giữ vai trò lớn nhất trong vụ án.
Đối với bị cáo Hoàng Văn Tuấn là người trực tiếp gây ra hỏa hoạn khi dùng máy hàn xì “thổi lửa” nhằm tách bản lề cửa ra vào trên tầng 2 của quán Karaoke 68. Bị cáo không nắm được các quy tắc về an toàn lao động và không có chứng chỉ hành nghề.
Tương tự, đối với Lê Thị Thì, HĐXX nhận định bị cáo là người sử dụng lao động đối với bị cáo Tuấn. Bị cáo nhận thức rõ hàn xì rất dễ gây ra cháy nổ nhưng đã không có có biện pháp bảo đảm an toàn khi cho người lao động của mình đến thi công tại quán Karaoke 68.
Hiện trường đám cháy kinh hoàng ở Trần Thái Tông. Ảnh: Lao Động |
Đánh giá tổng quát về vụ án, HĐXX sơ thẩm khẳng định, hành của các bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội, gây đau thương, tang tóc cho gia đình các nạn nhân, gây dư luận xấu trong xã hội. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật và cần thiết phải áp dụng những hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo.
Trong khi đó, cáo trạng truy tố Nguyễn Diệu Linh cùng đồng phạm thể hiện, do không tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy và không tuân thủ quy định về sử dụng lao động nên ngày 1/11/2016 các bị cáo đã để xảy ra vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại quán Karaoke 68 (phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong.
Sau bản án sơ thẩm, cả 3 bị cáo trong vụ án đều lần lượt có đơn kháng cáo đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét lại các quyết định tại bản án sơ thẩm, theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm bồi thường thiệt hại về dân sự. Ngược lại, một số gia đình bị hại lại đề nghị xem xét xem có bỏ lọt tội phạm hay không.
Nguyễn Phượng(T/h)