Những ngày gần đây, dư luận xã hội tỏ ra vô cùng bức xúc trước cái chết của bé gái 3 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội. Nghiêm trọng hơn khi mà những người được xác định có liên quan đến cái chết thương tâm của đứa trẻ này lại chính là mẹ đẻ và cha dượng của cháu. Đó là lý do vì sao bà ngoại của cháu bé phẫn nộ đến mức đề nghị cần phải tử hình người con gái vô nhân tính của mình dù người xưa vẫn thường nói “hổ dữ không ăn thịt con”.
Bi kịch chồng chất bi kịch
Bà Vũ Thị Dự - bà ngoại cháu M. |
Vụ án cháu N.N.M.M. (SN 2017, tạm trú phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội) bị chính mẹ ruột Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991) và bố dượng Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989) bạo hành dẫn tới tử vong khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Đáng nói, kiểm tra nhanh 2 bị can đều cho kết quả dương tính với ma túy.
Hiện, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để làm rõ tội danh Giết người. Trong vụ án này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bé M.. Đại diện hợp pháp cho bị hại là bà Vũ Thị Dự (SN 1969, bà ngoại cháu M., tại Võng La, Đông Anh, Hà Nội).
Vị luật sư giải thích: “Mặc dù cháu bé được bà ngoại chăm sóc từ khi sinh ra nhưng về mặt pháp lý trên giấy khai sinh cháu đang có bố (người chồng thứ hai của bị can Lan Anh) nên bố cháu sẽ là người đại diện hợp pháp cho cháu. Do điều kiện, hoàn cảnh bố cháu đã ủy quyền cho bà ngoại tham gia tố tụng”.
Trong quá trình giải quyết vụ án, luật sư rất kinh hoàng trước tội ác do mẹ đẻ và cha dượng bạo hành gây ra với cháu M.. Vị luật sư chia sẻ: “Cháu bé 3 tuổi đã chịu nhiều thiệt thòi khi bố mẹ ly hôn và phải gửi cho bà ngoại chăm sóc. Đáng lẽ ra, với lứa tuổi cháu rất cần sự thương yêu, chăm sóc của người mẹ nhưng không thể ngờ cháu bé lại bị chính người mẹ và cha dượng sát hại một cách dã man, tàn bạo. Đó là bi kịch mẹ giết con. Nhưng bên cạnh đó còn một bi kịch khác đang xảy ra khi mẹ bị can vì quá đau đớn đến mức phải đề nghị xử lý hung thủ một cách nghiêm khắc nhất dù người đó là con gái và con rể”.
“Những yêu thương mà bà ngoại đã dành cho cháu bé từ khi sinh ra là quá lớn, là niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Do đó, sự việc xảy ra đột ngột khi cháu bị sát hại quá thương tâm nên bà ngoại đã vô cùng bức xúc... Sau khi nghe luật sư phân tích tính chất, mức độ hành vi phạm tội, vụ án xảy ra trong gia đình, bà ngoại và mọi người đề nghị xử lý người con gái theo quy định của pháp luật, với mức án cao nhất là tử hình”, luật sư Thơm cho hay.
Luật sư Thơm mong rằng, qua thời gian, bà ngoại và gia đình sẽ vượt qua nỗi tang thương mất mát không gì bù đắp được để bình tâm giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Điều mong muốn nhất của luật sư Thơm là xử lý nghiêm các đối tượng là góp phần bảo vệ công lý và hướng tới một xã hội đẹp hơn...
Hình phạt nghiêm khắc vì có nhiều tình tiết tăng nặng
Mẹ đẻ và cha dượng bạo hành cháu M. |
Nhận định về vụ án, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, trong vụ án này, mẹ đẻ và cha dượng của cháu bé sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như giết người dưới 16 tuổi; giết người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng; có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn. Hình phạt mà 2 người này phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, theo quy định của luật Trẻ em, luật Hôn nhân và Gia đình, luật Phòng chống bạo lực gia đình, cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Trong trường hợp cha mẹ ly hôn và tái hôn thì cha dượng (mẹ kế) cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con riêng của vợ (chồng) đến khi trưởng thành. Khi đã không bảo vệ, chăm sóc mà còn đánh đập, hành hạ dẫn đến con cái thương tích hoặc tử vong thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn.
Hãy sẵn sàng, chuẩn bị kỹ trước khi làm mẹ TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh - Giảng viên học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM khuyến cáo, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra như vụ án trên, những bậc làm cha, làm mẹ cần phải được trang bị kiến thức đầy đủ, chuẩn bị tâm sinh lý vững vàng trước khi xác định có con, hoặc trước khi tiến tới hôn nhân. Nhà trường, cơ quan chức năng, truyền thông, cần lên án mạnh mẽ cũng như tuyên truyền đúng về việc bảo vệ trẻ em, để đảm bảo quyền và nghĩa vụ cho trẻ một cách tốt nhất. |