+Aa-
    Zalo

    Vụ "chai nước giải khát có ruồi": “Đừng vội khép tội anh Minh”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) –Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội), chưa thể quy kết anh Võ Văn Minh phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.

    (ĐSPL) –Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội), chưa thể quy kết anh Võ Văn Minh phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. 

    Liên quan đến vụ việc “con ruồi giá nửa tỷ” giữa anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) và Công ty Tân Hiệp Phát, vào ngày 5/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng PC45) công an tỉnh Tiền Giang đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh, ngụ huyện Cái Bè về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".

    Song cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xuất phát từ dư luận cho rằng việc quy tội đối với anh Minh chưa thật thuyết phục.

    Chưa đủ căn cứ buộc tội?

    Ngày 7/2, PV báo Đời sống và Pháp luật có cuộc trao đôi cùng Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) xung quanh vụ việc này.

    Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội).

    Trên góc độ pháp lý, Luật sư Giang Hồng Thanh phân tích, về mặt lý luận, cưỡng đoạt tài sản là hành vi uy hiếp tinh thần của người có tài sản bằng các thủ đoạn đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác khiến cho người có tài sản vì lo sợ mà phải giao tài sản cho người thực hiện hành vi uy hiếp. Nhiều người vẫn quen gọi đây là hành vi "trấn lột" hay "tống tiền".

    Chẳng hạn như một người đến cổng trường học và đe dọa học sinh nếu không đưa tiền sẽ rút dao đâm hoặc một người nói với người khác phải chi tiền cho họ để họ che dấu cho những sai phạm của người đó... thì đây là hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

    Như vậy có thể thấy, người nào chỉ cần có hành vi buộc người khác phải miễn cưỡng trao tài sản cho mình thông qua việc đe dọa bằng lời nói, không nhất thiết phải dùng vũ lực, người đó phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.

    Trở lại với vụ việc "Chai nước giải khát có ruồi" mà dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày vừa qua, để có thể đưa ra nhận định về việc anh Võ Văn Minh có hành vi Cưỡng đoạt tài sản hay không cần phải xem xét dựa trên các tình huống.

    Theo đó, trường hợp thứ nhất, giả thuyết con ruồi nằm trong chai nước giải khát mang nhãn hiệu Number One của Công ty Tân Hiệp Phát là do anh Võ Văn Minh đưa vào.

    Theo kết quả giám định mới được công bố cho thấy, có sự can thiêp của con người vào phần nắp chai của chai nước Number One được đem đi giám định và làm cho nó bị biến dạng.

    Trong tình huống này, hành vi của anh Võ Văn Minh đã cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản bởi lẽ anh Minh đã ngụy tạo việc chai nước có ruồi là do lỗi của nhà sản xuất, sau đó buộc nhà sản xuất phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc này ra công luận. Đây là hành vi uy hiếp về mặt tinh thần của người khác khiến cho người đó vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín mà phải giao tài sản.

    Võ Văn Minh cùng tang vật bị bắt giữ - (Nguồn ảnh: Internet).

    Thứ hai, con ruồi nằm trong chai nước là có sẵn trong chai, không phải do anh Võ Văn Minh đưa vào. Tình huống này lại phân chia thành hai trường hợp khác nhau.

    Cụ thể, nếu anh Minh nhân sự việc này mà yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải trả tiền cho mình để mình không công bố sự việc ra công luận, hành vi của anh Minh vẫn cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản, bởi vì Công ty Tân Hiệp Phát không có nghĩa vụ phải trả tiền cho anh Minh kể cả khi đó là lỗi của họ, nếu như lỗi đó không gây thiệt hại cho anh Minh.

    Nếu sự việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của cửa hàng do anh Minh làm chủ, anh Minh yêu cầu Công ty Tân Hiệp Phát phải bồi thường cho mình do uy tín bị xâm hại, thì việc làm của anh Minh không cấu thành bất cứ tội danh nào.  

    Công ty Tân Hiệp Phát có thể bồi thường hoặc không bồi thường theo yêu cầu của anh Minh. Còn việc hai bên thương lượng mức bồi thường 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng hay một số tiền nào đó là quan hệ dân sự giữa hai bên. Nếu không đồng ý mức bồi thường các bên có thể khởi kiện ra tòa.

    Theo Luật sư Thanh nhận định: "Qua những phân tích như trên, với các thông tin trên báo, chưa thể quy kết anh Võ Văn Minh phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Các cơ quan tố tụng sẽ phải làm rõ những vấn đề như con ruồi có trong chai xuất phát từ đâu, đã bao giờ sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát xuất hiện côn trùng hay dị vật chưa, hình thức yêu cầu của anh Minh đối với Công ty Tân Hiệp Phát là đòi bồi thường uy tín hay buộc công ty này phải trả tiền để nhận được sự im lặng từ phía anh Minh... qua đó mới có thể đưa ra kết luận chính xác".

    Trên quan điểm cá nhân, luật sư Thanh cho rằng cách xử lý của Công ty Tân Hiệp Phát là chưa khéo léo, bởi lẽ sau khi sự việc xảy ra, Công ty đã gặp phải những phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Công ty, ngay cả khi có thể Công ty cũng chỉ là phía bị hại.

    Việc Tân Hiệp Phát lấy lại được hình ảnh hay không phụ thuộc rất lớn vào các đường lối giải quyết tiếp theo của Công ty này.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-chai-nuoc-giai-khat-co-ruoi-dung-voi-khep-toi-anh-minh-a82970.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan