+Aa-
    Zalo

    Vụ CEO Pavel Durov bị bắt: Nga yêu cầu Pháp giải thích, Telegram khẳng định tuân thủ luật

    (ĐS&PL) - Telegram khẳng định nền tảng này tuân thủ luật pháp châu Âu, bao gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số.

    "CEO Pavel Durov không có gì phải che giấu và thường xuyên đi công tác ở châu Âu. Thật vô lý khi cáo buộc một nền tảng hay chủ sở hữu nền tảng phải chịu trách nhiệm về việc nó bị lạm dụng", Telegram viết.

    Công ty đồng thời cho hay việc kiểm duyệt của nền tảng "nằm trong tiêu chuẩn của ngành và liên tục được cải thiện", trích dẫn tuyên bố của Telegram ngày 26/8.

    "Gần một tỷ người dùng toàn cầu sử dụng Telegram như một phương tiện giao tiếp và là nguồn thông tin quan trọng. Chúng tôi đang chờ đợi một giải pháp nhanh chóng cho tình huống này", Telegram cho biết thêm.

    Bình luận trên được đưa ra không lâu sau khi giới chức Pháp bắt giữ ông Durov tại sân bay Paris-Le Bourget khi máy bay riêng chở nhà sáng lập Telegram từ Azerbaijan đáp xuống Paris hôm 24/8.

    CEO Pavel Durov bị bắt tại Pháp. Ảnh: CNN/Getty

    CEO Pavel Durov bị bắt tại Pháp. Ảnh: CNN/Getty

    Theo truyền thông Pháp, các công tố viên ở Paris có kế hoạch buộc tội người đàn ông 39 tuổi này về tội đồng lõa trong buôn bán ma túy, tội ấu dâm và lừa đảo. Giới chức trách Pháp cho rằng việc Telegram không đủ khả năng kiểm duyệt nội dung, các công cụ mã hóa mạnh mẽ và thiếu hợp tác với cảnh sát đã cho phép tội phạm phát triển mạnh trên ứng dụng.

    Telegram có trụ sở chính tại Dubai, mặc dù công ty đã chỉ định một đại diện pháp lý tại Bỉ để quản lý việc tuân thủ luật pháp EU. Telegram cũng đã tuân thủ các lệnh trừng phạt chống Nga của khối bằng cách chặn quyền truy cập vào các cơ quan báo chí của Nga.

    Tuy nhiên, theo Pháp, ông Durov liên tục từ chối giao dữ liệu người dùng cho các cơ quan thực thi pháp luật hoặc thiết lập cái gọi là "cửa sau" để các cơ quan này có thể giám sát các cuộc trò chuyện trên ứng dụng.

    Một cựu phát ngôn viên của ông Durov hôm qua nói, chính quyền Pháp có thể đã thay mặt Mỹ thực hiện vụ bắt giữ, sau khi nhà sáng lập Telegram công khai cáo buộc các cơ quan tình báo Mỹ gây áp lực buộc ông phải cấp cho họ quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Telegram.

    Phía Pháp và Mỹ hiện chưa bình luận về cáo buộc này.

    Theo RT, một nhà ngoại giao cấp cao cho biết, đại sứ quán Nga tại Paris đang yêu cầu chính quyền Pháp giải thích lý do bắt giữ Pavel Durov.

    Đại sứ quán Nga cho biết, "ngay khi tin tức về vụ bắt giữ Durov nổ ra, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền Pháp để làm rõ lý do và yêu cầu họ đảm bảo bảo vệ quyền lợi của anh ấy và cho phép tiếp cận lãnh sự".

    Tuy nhiên, theo các nhà ngoại giao Nga, vẫn chưa có phản hồi nào từ Paris. "Cho đến nay, phía Pháp vẫn đang tránh hợp tác về vấn đề này", các nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh. Đại sứ quán Nga cũng cho biết họ vẫn đang liên lạc với luật sư của ông Durov.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva đã gửi một công hàm chính thức tới Paris với yêu cầu được tiếp cận lãnh sự với nhà sáng lập Telegram. "Nhưng anh ấy có quốc tịch Pháp, điều mà Pháp coi là tiền lệ", bà Maria Zakharova nói với hãng thông tấn RIA-Novosti.

    Bà Zakharova kêu gọi các tổ chức nhân quyền quốc tế đứng lên bảo vệ quyền tự do ngôn luận và gây sức ép buộc Pháp thả người sáng lập Telegram.

    Pavel Durov sinh ra tại St. Petersburg, Nga. Doanh nhân này hiện mang quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis.

    Ông lập ra nền tảng Telegram vào năm 2013. Đây là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt một tỷ người dùng trong năm tới.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/vu-ceo-pavel-durov-bi-bat-nga-yeu-cau-phap-giai-thich-telegram-khang-inh-tuan-thu-luat-a459641.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan