"Người nhái" lặn tìm người mất tích
Báo Tuổi Trẻ thông tin, sáng nay (15/9), các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Thọ, Lữ đoàn công binh 543 và Công an tỉnh Phú Thọ cùng thợ lặn tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn người và phương tiện liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu hôm 9/9.
Khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng thợ lặn cùng trang thiết bị nghiệp vụ được huy động, xuống khu vực nhịp cầu bị sập trôi dạt vào ven bờ, cách vị trí cầu Phong Châu khoảng 50m về phía hạ lưu.
Trong sáng nay, lực lượng thợ lặn, người nhái tiếp cận vị trí chiếc ô tô tải mắc kẹt trong nhịp cầu Phong Châu bị sập.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Tam Nông (Phú Thọ) - cho biết công tác tìm kiếm cứu nạn trong sáng nay chưa có thêm kết quả.
Đến trưa cùng ngày, Công an tỉnh Phú Thọ cũng cho biết qua tìm kiếm, đến thời điểm này lực lượng chức năng không tìm thấy nạn nhân trong ca bin xe tải.
Lực lượng chức năng đang huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai phương án tìm kiếm nạn nhân mất tích và trục vớt phương tiện bị nạn với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, sớm xoa dịu phần nào nỗi đau cho các gia đình nạn nhân vụ sập cầu.
Cũng trong sáng 15/9, các lực lượng của Binh chủng Công binh chủ trì và Quân khu 2 đang tích cực gia cố đường lên xuống, cải tạo và xây dựng bến vượt bờ tả ngạn sông Hồng, phía huyện Tam Nông để chuẩn bị bắc cầu phao.
Kể từ ngày cầu Phong Châu bị sập, việc đi lại của người dân giữa các huyện Tam Nông, Thanh Thủy,... và huyện Lâm Thao, TP.Việt Trì (Phú Thọ) gặp nhiều vất vả.
Trước đây, người dân đi từ huyện Tam Nông đến TP.Việt Trì chỉ khoảng 15km. Tuy nhiên, từ khi cầu Phong Châu bị sập, người dân phải đi đường vòng qua cầu Ngọc Tháp với quãng đường lên đến 35km.
Rất nhiều người mong muốn cây cầu mới thay thế cầu Phong Châu sớm được xây dựng để thuận tiện cho việc đi lại.
"Cầu Phong Châu đưa vào sử dụng năm 1995, là cây cầu huyết mạch của tỉnh Phú Thọ. Hiện có rất nhiều người ở các huyện Tam Nông, Thanh Thủy (Phú Thọ) làm việc tại Khu công nghiệp Thụy Vân (TP.Việt Trì) và các công ty ở huyện Lâm Thao. Từ khi cầu sập việc đi lại của công nhân cũng như học sinh rất vất vả", Dân trí dẫn lời anh Nguyễn Công Quyền (33 tuổi, trú xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) chia sẻ và cho biết bản thân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thụy Vân.
Trước khi cầu Phong Châu bị sập, từ nhà anh Quyền đến nơi làm việc khoảng 15km nhưng nay anh phải di chuyển quãng đường hơn 30km. Do đó, anh Quyền mong ngóng cây cầu mới sớm được xây dựng để việc đi lại thuận tiện.