Trưởng Công an huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết, nếu có đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm thì tiến hành khởi tố vụ án hình sự và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cuộc họp báo ngày 8/8, cơ quan chức năng Cà Mau thông tin về vụ cán bộ cưỡng chế bị tạt xăng, dùng dao tấn công. Ảnh: Người Đưa Tin |
Liên quan đến vụ cán bộ tỉnh Cà Mau bị tạt xăng, dùng dao tấn công khi cưỡng chế thi hành án, báo người Đưa Tin cho hay, thông tin tại cuộc họp ngày 8/8, trưởng Công an huyện Cái Nước Nguyễn Văn Minh cho biết:
"Hiện nay, công an chính thức tạm giữ 3 đối tượng gồm: Phạm Hoàng Kiếm (chủ nhà), Lê Thị Hiến (vợ ông Kiếm) và Lê Thành Lập (anh của bà Hiến). Trong thời gian tạm giữ, cơ quan điều tra xác định dấu hiệu tội phạm nếu có đủ căn cứ thì tiến hành khởi tố vụ án hình sự và xử lý theo quy định của pháp luật".
Trong cuộc họp, ông Huỳnh Văn Hiệu, Cục trưởng cục Thi hành án dân sự tỉnh Cà Mau cho biết, về trình tự thủ tục thi hành án, quy trình tổ chức cưỡng chế thi hành án, ngành chức năng đã thi hành đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.
Theo ông Hiệu, trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã làm việc với ông Phạm Hoàng Kiếm và bà Lê Thị Hiến (chủ căn nhà phần đất phải cưỡng chế tọa lạc tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú) để động viên thi hành án, cũng như yêu cầu ông Kiếm, bà Hiến tự nguyện di dời, tháo dỡ toàn bộ căn nhà và công trình kiến trúc trên đất.
Thế nhưng, vợ chồng ông Kiếm không tự nguyện thi hành với lý do “không thống nhất với bản án xét xử của TAND huyện Cái Nước”.
“Căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật và qua nhiều lần động viên ông Kiếm, bà Hiến không thành. Chấp hành viên chi cục Thi hành án dân sự huyện Cái Nước ban hành quyết định cưỡng chế số 32/QĐ-THA ngày 16/5/2019”, ông Hiệu nói.
Liên quan đến sự việc, báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, khi được hỏi về việc quá trình ông Lê Văn Khi bán thửa đất. Theo đó vì sao chưa có sự đồng ý của tất cả những người được quyền thừa kế mà ông Khi vẫn có thể thực hiện được thủ tục bán đất cho người khác? Tòa án huyện có thụ lý vụ kiện của bà Lê Thị Hồng Đào không? Theo bà Đào thì tòa đã thụ lý và đã tiến hành hòa giải lần đầu không thành.
Ông Phạm Phúc Giang cho rằng đây là những tình tiết mới mà ông mới nghe được. Còn ông Huỳnh Minh Tính, Phó Chánh án TAND huyện Cái Nước, cho biết sẽ rà lại xem cơ quan này có thụ lý vụ án của bà Đào hay không.
Tại cuộc họp báo, chấp hành viên thụ lý vụ cưỡng chế Nguyễn Minh Cần thông tin: “Tình huống chống trả bằng xăng của gia đình ông Phạm Hoàng Kiếm và bà Lê Thị Hiến có nằm trong kế hoạch. Hai máy chữa cháy và các bình ôxy đã dập tắt ngay lửa nhưng sức nóng quá lớn nên gây bỏng cho các thành viên đoàn cưỡng chế”.
Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Theo như kế hoạch cưỡng chế thi hành án, ngày 7/8/2019, đoàn cưỡng chế tiến hành làm việc và mời ông Kiếm và bà Hiến để công bố quyết định cưỡng chế, nhưng gia đình ông Kiếm, bà Hiến không thống nhất và có hành vi chống đối lực lượng tham gia cưỡng chế. Trong quá trình bảo vệ các lực lượng cưỡng chế, Công an huyện Cái Nước và lực lượng cưỡng chế bị các đối tượng sử dụng xăng, dao,… làm hung khí tấn công. Hậu quả làm 7 người bị thương, trong đó, 3 người trong lực lượng công an, 3 người trong lực lượng thi hành án và 1 người là chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ xã. Hiện, sức khỏe của cán bộ, chiến sỹ bị thương do bị một số đối tượng dùng xăng, dao tấn công đã ổn định. |
Thủy Tiên (T/h)