"Tôi chạy vào nhà thì phát hiện ong vò vẽ túa ra đốt. Má tôi lớn tuổi chạy không nổi, bị ong đốt cả trăm vết. Tôi nhìn sang bên cạnh, thấy ong quây quần và đốt trên đầu cháu tôi nhiều quá....", người phụ nữ bàng hoàng kể lại sự việc.
Vào chiều ngày 14/8, bà Trần Thị Đ. (92 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thành Lập, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) và 4 người khác trong gia đình bị đàn ong vò vẽ tấn công. Hai nạn nhân tử vong là bà Trần Thị Đ. (92 tuổi) bị đốt 135 vết, và cháu N.H.N. (13 tháng tuổi).
3 nạn nhân bị ong đốt khác là bà Nguyễn Thị H. (56 tuổi, con bà Đ.) với 64 vết đốt và cháu L.T.V (5 tuổi) và L.T.K (7 tuổi). Hiện bà L. đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực- chống độc Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Cháu V. và K. đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM để điều trị.
2 cháu bé bị ong đốt đang được cấp cứu tại bệnh viện. Ảnh: Vietnamnet |
Chia sẻ với Pv báo Giao Thông, bà H. cho biết, vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc không may xảy ra với gia đình. Theo đó, vào chiều 14/8, gia đình bà có nhờ hàng xóm lại cắt cây trước nhà. Sau khi cắt gần đứt cây, 3 người mới nắm sợi dây để kéo cho cây ngã sang hướng khác, nhưng không may cái cây lại ngã đập vào nhà.
“Lúc đó, má tôi và 4 đứa cháu ngồi trong nhà. Tôi liền chạy vô xem cây ngã có đè ai không thì phát hiện ong vò vẽ túa ra đốt. Má tôi lớn tuổi chạy không nổi, bị ong đốt cả trăm vết. Tôi nhìn sang bên cạnh, thấy ong quây quần và đốt trên đầu cháu tôi nhiều quá, liền nhào vô ôm đứa cháu nhỏ nhất chạy ra ngoài. Tay bế cháu, tay phủi không cho ông đốt, bản thân tôi cũng bị ong đốt nhiều vết, còn 2 đứa cháu nhỏ nữa cũng bị ong đốt vài chục vết trên người”, bà H. kể lại.
Được biết, dù được bà ngoại nhào vào giải cứu, nhưng cháu bé 13 tháng tuổi bị ong đốt nhiều vết đã không qua khỏi.
Khi bị ong đốt, cần lưu ý sơ cứu kịp thời: - Nhanh chóng đưa người bị nạn ra khỏi khu vực có ong. - Đặt người bị ong đốt nằm yên tại chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền nhanh trong cơ thể. - Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. - Tuyệt đối không dùng tay nặn ép lấy ngòi vì có thể làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể. - Chườm lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng, uống nhiều nước để loại thải các độc tố. - Đưa người bị đốt tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. |
Hoàng Yên (T/h)