+Aa-
    Zalo

    Vụ bia Sài Gòn ở Hà Tĩnh: Thị trường địa phương thành “ao làng”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Việc Hà Tĩnh phát giấy mời hỏa tốc dự lễ hội bia SG hết sức nguy hiểm vì động thái này đang dần triệt tiêu sự cạnh tranh, biến thị trường địa phương thành “ao làng”.

    (ĐSPL) - Xung quanh việc Hà Tĩnh phát giấy mời “hỏa tốc” đến dự… lễ hội bia Sài Gòn, luật sư Công Hạnh, Công ty luật hợp danh FDVN – CN Huế cho rằng: Điều này là hết sức nguy hiểm vì động thái này đang dần triệt tiêu sự cạnh tranh, biến thị trường địa phương thành “ao làng”.

    Trước thông tin việc Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công văn hoả tốc mời các lãnh đạo tham dự lễ hội bia Sài Gòn. PV đã liên hệ với luật sư, người dân và các doanh nghiệp khác đang có thị phần sản phẩm bia ở Hà Tĩnh để có cái nhìn đa chiều.

    Trước đó, trong công văn hoả tốc do ông Lê Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh ký và đóng dấu đã mời các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, thủ trưởng các sở ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, chủ tịch các hội, hiệp hội trong tỉnh, lãnh đạo các huyện trên địa bàn… tới tham gia chương trình lễ hội “Tôi yêu Bia Sài Gòn”.

    Giấy mời nêu rõ đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và đề nghị các đại biểu tham gia đầy đủ và đúng thời gian.

    Thực tế, đây không phải lần đầu tiên tỉnh Hà Tĩnh thể hiện tình cảm "yêu bia Sài Gòn". Vào tháng 8 năm ngoái, huyện Kỳ Anh (nay tách thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh) từng có công văn yêu cầu các cơ quan ban ngành, địa phương... lúc tổ chức hội nghị, tiếp khách phải ưu tiên sử dụng bia của Nhà máy bia Sài Gòn đóng trên địa bàn Hà Tĩnh.

    Lễ hội ‘Tôi yêu bia Sài Gòn’ trong Quảng trường Sân vận động TP Hà Tĩnh chiều 5/9.

    Liên quan sự việc trên, chúng tôi có buổi trao đổi với Luật sư Công Hạnh, Công ty luật hợp danh FDVN – CN Huế.

    Về việc UBND tỉnh Hà Tĩnh đóng dấu công văn hỏa tốc trong sự việc trên. Luật sư Võ Công Hạnh cho rằng: Trong hoạt động điều hành quản lý nhà nước, tùy theo mức độ cần được chuyển phát nhanh, văn bản được xác định độ khẩn theo bốn mức sau: khẩn, thượng khẩn, hỏa tốc và hỏa tốc hẹn giờ (điểm b, khoản 1, Điều 15, Thông tư 01/2011/TT-BNV).

    Việc Chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh sử dụng văn bản hỏa tốc để mời các cán bộ cơ quan ban ngành tham dự lễ hội “tôi yêu bia Sài Gòn” là không sai về mặt thẩm quyền ban hành văn bản cũng như việc dùng dấu hỏa tốc. Tuy nhiên, sự việc trên có dấu hiệu lạm dụng dấu “hỏa tốc”, gây phản cảm cho người tiếp nhận, trong quần chúng nhân dân lẫn cộng đồng doanh nghiệp.

    Tôi cho rằng cần xem lại việc tham gia một lễ hội uống bia – một hình thức giải khát, vui chơi có phải là hoạt động công vụ cấp thiết, quan trọng của việc quản lý Nhà nước cần phải huy động toàn thể đoàn thể, cán bộ nhà nước và đóng dấu hỏa tốc?. Trong khi thống kê cho thấy Việt Nam là quốc gia sử dụng rượu bia đang tăng theo chiều thẳng đứng và đi kèm là các hệ lụy từ bia rượu. Việc lạm dụng dấu hỏa tốc trong trường hợp này tạo ra một hình ảnh xấu về công tác điều hành quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.

    Việc hỗ trợ Doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm là cần thiết. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện đồng bộ, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Chính sách nhất quán của Nhà nước là đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần trong nền kinh tế thị trường. Không thể vì lý do doanh nghiệp này đóng thuế nhiều hơn cho tỉnh nhà thì được ưu ái nhiều hơn bằng mệnh lệnh hành chính. Điều này là hết sức nguy hiểm vì động thái trên đang dần triệt tiêu sự cạnh tranh, biến thị trường địa phương thành “ao làng”.

    Ths. Luật sư Võ Công Hạnh trao đổi với PV

    Trước thông tin có 7 cán bộ bị nhắc nhở không dùng bia Sài Gòn sau khi hội nghị, Luật sư Công Hạnh đánh giá: “Nếu có sự việc trên, thì UBND tỉnh Hà Tĩnh đã can thiệp quá sâu và thô bạo vào đời tư của cán bộ. Điều này là trái Hiến pháp, quyền dân sự của công dân. Mọi hình thức kỷ luật trong trường hợp này là trái pháp luật.

    Nếu có việc “Thông tin từ ông Dư Lý Trí, Phó chánh văn phòng Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, vừa qua sau hội nghị vinh danh điển hình tiên tiến ngành Giáo dục Hà Tĩnh, một nhóm cán bộ của đơn vị này đã tổ chức liên hoan tại khách sạn B.M (trung tâm TP Hà Tĩnh). Trong buổi liên hoan này, một số người đã không sử dụng bia Sài Gòn theo chủ trương “ưu tiên sử dụng hàng hóa sản phẩm sản xuất trong tỉnh” của tỉnh Hà Tĩnh mà lại lựa chọn loại bia và đồ uống khác.

    Ngay sau đó, những người đang kinh doanh bia Sài Gòn có mặt tại đây đã trình báo vụ việc cho ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh” như quý Báo đã phản ánh thì rõ ràng rằng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có hành vi tiếp tay cho Bia Sài Gòn ép buộc khách hàng trong việc lựa chọn sản phẩm, lựa chọn doanh nghiệp; phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp (Khoản 1, khoản 2, Điều 6 Luật Cạnh tranh). Đây là các hành vi bị cấm đối với cơ quan quản lý nhà nước theo Luật cạnh tranh”.

    Trao đổi với chủ của một đại lý phân phối cấp 1 bia Huda ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), người này cho biết, doanh số bán sản phẩm bia Huda của đại lý thời gian vừa rồi giảm hơn một nửa. Đặc biệt là sản phẩm bia chai.

    “Bình quân đại lý của tôi một tháng xuất ra khoảng 30.000 két bia nhưng tháng vừa rồi bán ra chỉ từ 14.000 đến 15.000 két. Nguyên nhân được các đại lý cấp 2 phía dưới cho hay do mất đi một lượng khách hàng lớn là công nhân viên chức”.

    Về phía Huda, đại diện phụ trách về Truyền thông và Quan hệ công chúng của đơn vị này cho hay, thị phần bia Huda ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tương đối lớn. Với sự việc UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn hỏa tốc yêu cầu các cán bộ tham dự lễ hội bia Sài Gòn, Huda không có đánh giá hay bình luận gì.

    Mọi ý kiến đánh giá và bình luận đã có người tiêu dùng và các cơ quan có thẩm quyền dựa trên cơ sở pháp luật Nhà nước. Huda luôn mong muốn hoạt động trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động tốt nhất.

    Khoản 1 và khoản 2, Điều 6 Luật Cạnh tranh 2004:

    “Cơ quan quản lý Nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường:

    1-Buộc doanh nghiệp, cơ quan tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

    2- Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp

    LÊ KÔNG

    [mecloud]QOJuQZe7R2[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-bia-sai-gon-o-ha-tinh-thi-truong-dia-phuong-thanh-ao-lang-a111072.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.