(ĐSPL) - Gân bàn chân bị đứt phải tiến hành phẫu thuật để nối lại, tuy nhiên bé trai bất ngờ tử vong. Người nhà tố nếu kíp mổ không có lỗi thì Bệnh viện cần gì cho người đến thương lượng, hứa bồi thường.
Tử vong do trào ngược dạ dày thực quản?
Ngày 28/7, nguồn tin cho biết, ông Nguyễn Thành Trương, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước đã có văn bản trả lời gửi đến HĐND tỉnh Bình Phước trước kì họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII về nguyên nhân tử vong bất thường của cháu Nguyễn Trần Kim Phát (SN 2012, ngụ xã Thọ Sơn, H.Bù Đăng, Bình Phước). Theo đó, cháu Phát tử vong là do suy hô hấp không hồi phục, có hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản (hội chứng Medelson).
Như báo Đời Sống và Pháp luật đã đưa tin,trước đó vào lúc 12h ngày 6/6, cháu Phát được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước trong tình trạng có vết thương phức tạp ở mu bàn chân trái. Khi nhập viên, cháu Phát vẫn còn tỉnh, sinh hiệu ổn, vết thương rách ở cơ mu bàn chân dài khoảng 44cm, rộng 02cm, sâu 01cm. Đến 14 giờ 15 phút, Bệnh viện đã chỉ định mổ cấp cắt lọc nối gân. Kíp mổ phẫu thuật chính gồm bác sĩ Trần Quốc Hùng, bác sĩ gây mê chính Phan Văn Ngọc và kỹ thuật viên gây mê là Phạm Văn Tuyến.
Bé trai xấu số. |
Khi ca mỗ tiến hành gây mê cháu Phát bằng thuốc mê tĩnh mạch Propofil liều 40mg. Tuy nhiên 5 phút sau, cháu Phát bắt đầu có hiện tượng trào ngược nhiều dịch dạ dày nên các bác sĩ ca trực mỗ đã tiến hành hút dịch dạ dày, hút qua sonde dạ dày rồi đặt nội khí quản nhưng tình trạng nạn nhân không cải thiện.
Theo ông Trương, đến 14h40, bệnh nhân tím tái, huyết áp là 80/50mmHg. Đến 15h30, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở, chi lạnh, không đo được huyết áp. Mặc dù các bác sĩ ca trực tiến hành nhiều biện pháp nhưng tình trạng cháu Phát không tiến triển nên đã thống nhất chuyển bệnh nhân ra phòng hậu phẫu để thở máy, tiếp tục tiêm thuốc theo dõi. Đến 19h30, bệnh nhân tử vong.
Không có lỗi vẫn thương lượng, hứa bồi thường?
Sau khi nhận được tin báo về trường hợp của cháu Phát, ngày 10/6, Bệnh viên đã thành lập đoàn tiến hành kiểm thảo tử vong toàn diện và đi đến thống nhất với kết luận trên. Về vấn đề người nhà bệnh nhân cho rằng, các bác sĩ trong kíp trực đã tắc trách dẫn đến tử vong, văn bản trả lời: “Trong quá trình tiếp nhân, khám và điều trị cho bệnh nhân cơ bản tốt, các y bác sĩ đã không vi phạm y đức. Việc bệnh nhân tử vong là do nguyên nhân khách quan, không phải lỗi của kíp mổ. Trước khi mổ bệnh nhân phải nhịn ăn, nhịn uống tuyệt đối trong 12 giờ, song thực tế người nhà đã không thực hiện triệt để. Việc thông báo cho người nhà chậm trễ không phải giấu bệnh mà do đang trong quá trình cấp cứu”.
Tuy nhiên qua trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Ly (SN 1982, mẹ cháu Phát) vô cùng bất ngờ với kết luận của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Mẹ nạn nhân cho hay, từ sau cái chết của cháu Phát, gia đình chị chưa bao giờ nhận được báo cáo kết luận này.
Chị Ly bức xúc nói: “Sau cái chết của con, gia đình đã nhiều lần yêu cầu cung cấp kết qủa giám định pháp y nhưng không được đáp ứng. Nếu họ không có lỗi thì cần gì phải đến thương lượng bồi thường. Nếu con tôi tử vong do trào ngược dạ dày thực quản thì cớ làm sao nhiều lần bệnh viện cho người đến thương lượng. Họ còn hứa sẽ bồi thường 60 triệu đồng. Gia đình biết rằng trong cái chết của con tôi còn nhiều điều khuất tấtm, Bệnh viện cố ý che giấu nên chúng tôi từ chối. Gia đình chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng làm rõ thời gian và nguyên nhân tử vong. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ y bác sĩ nói chung để không còn người chết oan”.